MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Già làng ở xã Ia Pếch tổ bày rượu thịt để làm lễ cúng rừng. Ảnh: T.T

Lễ cúng tạ ơn, nguyện cầu với "thần rừng" ở Gia Lai

THANH TUẤN LDO | 02/05/2022 14:48

Gia Lai - Hàng năm, vào đúng ngày nghỉ lễ 30.4, người dân ở xã Ia Pếch, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai lại cùng nhau vào rừng để làm lễ cúng rừng, cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, rừng che chở thiên tai cho dân làng yên ấm.  

Ngày 2.5, UBND huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết, vừa phối hợp với Kiểm lâm huyện, UBND xã Ia Pếch và người dân tổ chức lễ cúng rừng dưới cánh rừng Rông O. Buổi lễ là nét văn hóa truyền thống lưu truyền từ nhiều đời nay của người dân xã Ia Pếch, có hơn 200 người đã đến dự.  

Anh Ksor Húc - người dân làng Dê Chí, xã Ia Pếch - cho biết, nhiều ngày trước, bà con cùng già làng, trưởng bản đã chuẩn bị rượu thịt, ghè rượu, bó cung, chiếc nỏ… để đúng ngày nghỉ lễ 30.4 thì tổ chức cúng. Lễ cúng diễn ra ở rừng Rông O, bên dòng suối chảy.  

Già làng trong bộ đồ thổ cẩm sắp xếp lại đồ cúng để làm nghi thức cúng trong sự chứng kiến của già trẻ, thanh niên trong làng. Lễ cúng diễn ra chừng 30 phút, tiếng già làng khấn rầm rì dưới cánh rừng thêm phần linh thiêng, với nguyện cầu thần linh, núi rừng che chở, bao bọc cho dân làng bình yên sinh sống, cấy cày trồng hạt lúa, củ mì (sắn) trên nương rẫy.  

Đông đảo người dân, Kiểm lâm huyện đến chứng kiến buổi lễ cúng vào đúng dịp 30.4. Ảnh: T.T

Cúng xong, hơn 200 khách mời, trong đó có cả dân làng bên cạnh cùng nhau vui vẻ ăn cơm, uống rượu dưới tán rừng. “Hầu hết đồ cúng được nấu ở nhà rồi mang lên rừng, không ai được chặt bẻ cây rừng để nấu ăn. Bởi làm như thế sẽ không tôn trọng thần rừng, bị làng trách phạt” - Ksor Húc chia sẻ.

Có cúng rừng nên hơn ai hết, dân làng ở xã Ia Pếch rất biết quý trọng, giữ gìn màu xanh của rừng. Dân làng cùng Kiểm lâm tham gia bảo vệ rừng, ít có ai “tiếp tay” cho các nhóm lâm tặc để vào phá rừng, chiếm đất. Hơn 600ha rừng ở Ia Pếch và vùng lân cận hiện nay vẫn còn được giữ gìn, bảo vệ trước sự dòm ngó, thèm thuồng của giới “đầu nậu” gỗ.  

Cách không xa địa giới hành chính huyện Ia Grai là huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum. Nơi đây, chính quyền đang cùng người dân quyết tâm phủ lại màu xanh cho những ngọn đồi trọc, với mong muốn phát triển sâm Ngọc Linh, dược liệu trên diện tích lớn.  

Họ hiểu rằng, chỉ có lợi nhuận kinh tế từ thu hoạch sâm, dược liệu mới làm “thay da đổi thịt” cuộc sống người dân địa phương thay vì buông lỏng quản lý để rừng bị phá, bị xâm hại từng ngày. Và nguồn lợi từ dược liệu, sâm, lâm sản dưới tán rừng sẽ khiến người dân ý thức hơn để bảo vệ rừng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn