MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ GDĐT đề nghị tiếp tục có đề án phát triển trường THPT chuyên 10 năm tới. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn

Cho phép tư nhân làm trường chuyên – rất khó thực hiện

TS Cù Văn Trung LDO | 22/03/2022 10:35
Có thể khẳng định rằng, mô hình trường chuyên là một mô hình giáo dục chuyên biệt, tìm kiếm và đào tạo những học sinh tài năng cho đất nước. Trong quá trình thực hiện nguyện vọng và mục tiêu cao đẹp đó, chúng ta đã có lúc vội vàng mà tập trung dồn rất nhiều nguồn lực cũng như tâm huyết cho công tác giáo dục này.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện "Đề án Phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn 2010-2020" tổ chức mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất về phương hướng phát triển hệ thống trường trung học phổ thông chuyên giai đoạn tiếp theo. Trong đó có đề xuất: "Xây dựng cơ chế, chính sách, chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho các trường chuyên còn thiếu, xây dựng trường chuyên tư thục theo hướng phát triển toàn diện cho học sinh”.

Hiện nay, trong thực tế của mô hình loại trường này, những vấn đề về hạn chế và các bất cập tồn tại được nổi lên. Đó là những mong đợi, đầu tư và mục đích ở nhiều nơi không đạt được như ý nguyện. Từ nguyên nhân này, xuất hiện đề xuất, gợi mở cho tư nhân tham gia làm trường chuyên. Tư nhân hóa các lĩnh vực trong xã hội nói chung và tư nhân hóa, xã hội hóa giáo dục nói riêng là một xu hướng của đòi hỏi cuộc sống. Tuy nhiên đi vào những khía cạnh đặc biệt, những lĩnh vực đặc thù thì thiết nghĩ vấn đề này là khó khả thi.

Bản chất của tư nhân, của nhà đầu tư là thu hút lợi nhuận, là tính lời, vậy thì vì nguyên cớ gì họ phải đi vào một cơ chế, chính sách của con đường dài hơi, khó tiên lượng cũng như thước đo giữa khu vực công và tư về người tài.

Có lẽ trong khối tư nhân thì một người được coi là tài năng thì phải biết cộng tác, có năng lực ở miền triển vọng, có vốn kiến thức và kĩ năng ứng xử xã hội trên một nền tảng chuyên môn được đào tạo. Và ngược lại, đánh giá về học sinh tài năng trong hệ thống công hiện nay là điểm số, là bằng cấp và thành tích thi cử.

Rất khó để các nhà đầu tư giáo dục nào lại đi vào một khía cạnh hẹp, lợi ích lâu, khó thu lại lợi nhuận kinh tế. Bài toán về thu chi, về xoay vòng và sớm quyết toán nếu “lẩn quẩn” thường xuyên trong suy nghĩ của các nhà đầu tư giáo dục thì làm sao họ có thể chuyên tâm trong công tác đào tạo tinh hoa cho đất nước.

Chúng ta thường lầm tưởng rằng cứ tưới nhiều nước và bón nhiều phân cho cây là sẽ nhanh thu trái ngọt. Cũng như nghĩ là đầu tư thật nhiều tiền cho giáo dục là sẽ cho ra nhiều con ngoan, trò giỏi. Tuy nhiên việc kích thích những bộ não tài năng không phải chỉ là đầu tư và chi tiền để “chín ngay”.

Nếu có đề xuất, dự thảo hay kiến nghị thì tôi nghĩ những nhà đầu tư giáo dục bán chuyên nghiệp họ cũng chỉ ngó nghiêng, dò xét và tìm kiếm các cơ hội như cơ chế mở trường, xin đất, thuế má… có gì mới hoặc ưu tiên không, còn việc bắt tay vào đầu tư làm trường chuyên thì có lẽ sẽ khó.

Như chúng ta đều biết, có những lĩnh vực dù có cho tư nhân hóa ưu thế ra sao vẫn rất khó thu hút được nhà đầu tư như: cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy, khảo cổ - hán nôm… mà không ai khác chỉ có thể là Nhà nước đảm nhận. Những hiện tượng tư nhân lẻ tẻ làm theo kiểu tùy hứng thì có nhưng theo hướng đầu tư có tính hệ thống, dài lâu và chuyên tâm thì ít ai mặn mà. Trong đó, đề xuất “xây dựng trường chuyên tư thục” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra cũng sẽ rất khó triển khai trong thực tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn