MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH): Thanh khoản yếu, dòng tiền ngày càng âm nặng

Quang Dân LDO | 23/02/2023 19:04

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của Dầu khí Nam Sông Hậu cũng cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản khi hệ số thanh toán nhanh chỉ đạt 0,13. Trong khi PSH có hơn 3.548 tỉ đồng phải thanh toán trong năm 2023.

Cụ thể báo cáo tài chính quý IV/2022 của Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (HOSE: PSH) cho biết, dù doanh thu trong năm tăng 28% (đạt 7.355 tỉ đồng) so với năm 2021, thế nhưng doanh nghiệp lại bất ngờ lỗ sau thuế 199 tỉ đồng, trong khi cùng kì lãi 319 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên PSH thua lỗ kể từ khi niêm yết.

Với kết quả này, Dầu khí Nam Sông Hậu mới thực hiện được 49% kế hoạch doanh thu và không về đích mục tiêu 348 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản PSH đạt 10.083 tỉ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn 5.503 tỉ đồng, chủ yếu là hàng tồn kho với 4.789 tỉ đồng. Tài sản dài hạn có 4.580 tỉ đồng...

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả PSH còn 8.539 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kì. Chiếm phần lớn là nợ ngắn hạn với 5.359 tỉ đồng.

Nhìn vào các thông số tài chính của Dầu khí Nam Sông Hậu có thể thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về thanh khoản khi hệ số thanh toán nhanh (tài sản ngắn hạn - hàng tồn kho trên nợ ngắn hạn) chỉ đạt 0,13.

Theo các định chế tài chính, khi hệ số thanh toán này nhỏ hơn 0,5 phản ánh doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc chi trả, tính thanh khoản thấp.

Các khoản phải trả của dưới 1 năm của PSH hiện xấp xỉ 3.549 tỉ đồng. Ảnh: Báo cáo tài chính

Trong khi đó riêng trong năm 2023, PSH có hơn 3.548 tỉ đồng phải thanh toán, bao gồm 2.505 tỉ đồng vay và nợ ngắn hạn; 940 tỉ đồng phải trả người bán, phải trả khác; hơn 102 tỉ đồng chi phí phải trả khác.

Chưa kể, trong cơ cấu nợ ngắn hạn của Dầu khí Nam Sông Hậu, thuế và các khoản phải nộp nhà nước lên đến 1.633 tỉ đồng.

Trong khi đó, tính đến cuối năm 2021, công cụ tài chính cho biết, các khoản tín dụng tại PSH dưới 1 năm trở xuống có 579 tỉ đồng. Bao gồm, tiền và các khoản tương đương tiền 236 tỉ đồng; phải thu khách hàng, phải thu khác 330 tỉ đồng, các khoản cho vay 13 tỉ đồng.

Các khoản tín dụng của PSH từ 1 năm trở xuống xấp xỉ 579 tỉ đồng. Ản: Báo cáo tài chính

Một diễn biến đáng chú ý khác là thời gian qua, cổ phiếu PSH có mức giảm đến 72% so với hồi đầu năm khi giảm từ 24.000 đồng/CP (6.1.2022) về mức 6.750 đồng/CP (20.2.2023).

Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ Dầu khí Nam Sông Hậu gần 1.261 tỉ đồng, trong đó gia đình ông Mai Xuân Huy – Chủ tịch HĐQT PSH - đang nắm giữ hơn 67%.

Cổ phiếu mất giá mạnh đồng nghĩa với tài sản của gia đình ông Mai Xuân Huy giảm từ khoảng hơn 2.000 tỉ đồng về còn xấp xỉ 600 tỉ đồng, tương ứng giảm 1.400 tỉ đồng sau 12 tháng.

Như Báo Lao Động phân tích, nợ vay tài chính và nợ trái phiếu tăng lên đến hàng nghìn tỉ đồng là lí do khiến chi lãi vay của PSH trong năm 2022 phình to lên hơn 282 tỉ đồng. Chi phí tài chính tăng cao cũng là một trong những lí do ăn mòn lợi nhuận PSH năm qua.

Đáng nói, dù nợ vay lớn, thanh khoản yếu, thế nhưng thuyết minh báo cáo tài chính quý IV/2022 cho thấy Dầu khí Nam Sông Hậu vẫn dành gần 36 tỉ đồng để tạm ứng cho các thành viên Hội đồng Quản trị. Trong đó người nhiều nhất là 15 tỉ đồng.

Ngoài ra, trong năm 2022, Dầu khí Nam Sông Hậu chi đến 637 tỉ đồng để mua sắm, xây dựng và chi gần 214 tỉ đồng đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác. Đây được cho cũng là một nguyên nhân khiến dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tại PSH âm nặng gần 731 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn