MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đồ hoạ: Tuấn Anh

Báo chí Việt Nam trong thách thức của thời đại số

TS. Hà Thanh Vân LDO | 19/03/2023 06:36
Với đà phát triển của công nghệ cùng với những kỹ thuật, thiết bị hiện đại, báo chí cũng như nhiều ngành nghề khác phải liên tục cập nhật, đổi mới để thích hợp với thời đại chuyển đổi số, khi Internet và công nghệ kết nối không dây tiện ích trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. 

Từ "quyền lực thứ tư" đến sự cạnh tranh của mạng xã hội

Ở thế kỷ 19, học giả người Pháp Alexis de Tocqueville - cho rằng, có bốn quyền lực như sau: 1. Quyền lực trung ương gồm các quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp; 2. Quyền lực của chính quyền địa phương; 3. Quyền lực vận động hành lang (ví dụ như vận động bỏ phiếu bầu); 4. Quyền lực của báo chí, truyền thông. Sau đó nhiều chính trị gia phương Tây đều tán đồng quan điểm báo chí là “quyền lực thứ tư”.

Tuy nhiên thuật ngữ "quyền lực thứ tư" để chỉ báo chí bên cạnh các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp chỉ đặc biệt phổ biến từ sau vụ bê bối Watergate diễn ra từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ - Richard Nixon phải từ chức. 

Quan điểm của truyền thông đại chúng hiện đại xuất hiện khái niệm “quyền lực thứ năm”. Quyền lực thứ năm là gì? Đó là những phương tiện truyền thông mới qua Internet như blog cá nhân, mạng xã hội gồm: Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Tik Tok...

Ưu điểm của “quyền lực thứ năm” là gì? Thứ nhất, không bị giới hạn về không gian khi người dùng có thể đọc được ở mọi nơi, bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau... và thời gian đọc - bất kỳ lúc nào, dễ dàng tìm lại tư liệu.

Thứ hai là tính tiện nghi và linh hoạt, chúng ta có thể sử dụng các thiết bị từ đắt tiền đến rẻ tiền để đọc và viết, ở bất kỳ trạng thái nào.

Thứ ba là tính cá nhân song hành với tính cộng đồng. Một cá nhân nào đó có thể lập ra một trang web hoặc blog, tài khoản Facebook, Instagram, Twitter, Tik Tok... và thu hút cộng đồng tương tác. 

Trên mạng xã hội có không ít những cá nhân thu hút hàng trăm nghìn hay hàng triệu lượt theo dõi, thậm chí với lượt xem còn nhiều hơn cả một số tờ báo hay phương tiện truyền thông nhờ đưa tin nhanh, xoáy sâu vào những vấn đề mà báo chí truyền thống ít đề cập. Nhưng mặt hạn chế hay tiêu cực có thể thấy rất rõ là nguồn thông tin này nhiều khi sai lệch, không kiểm chứng được, không có độ tin cậy, hoặc nhằm mục đích trục lợi...

Chiến lược của Việt Nam đối với báo chí trong thời đại chuyển đổi số

Để đảm bảo cho sự phát triển và thích ứng của báo chí, truyền thông Việt Nam, hòa nhập cùng với dòng chảy của xu hướng báo chí toàn cầu, phục vụ cho các nhiệm vụ của đất nước, tại Nghị quyết 50 ngày 20.5.2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”.

Hiện nay Chiến lược này đã hoàn thành bản Dự thảo và đang lấy ý kiến của các cơ quan cũng như người dân. Vài nội dung nổi bật của Chiến lược này như đến năm 2025 sẽ có 70% cơ quan báo chí thực hiện số hóa nội dung báo chí trên các nền tảng sẵn có; 80% cơ quan báo chí chuyển đổi hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện; 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động.

Phấn đấu 50% cơ quan báo chí đổi mới toàn diện hệ thống sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số: cá nhân hóa nội dung, đa nền tảng, báo chí di động, báo chí xã hội, báo chí dữ liệu, báo chí sáng tạo, siêu tác phẩm báo chí. Tối thiểu 30% cơ quan báo chí áp dụng mô hình thu phí bạn đọc với những nội dung trải nghiệm được cá nhân hóa, quyền lựa chọn nguồn tin để theo dõi, giới thiệu tin tức theo thị hiếu cá nhân.

Xây dựng 6 cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực quốc gia và cơ quan truyền thông đa phương tiện chủ lực địa phương tự xây dựng nền tảng phân phối nội dung riêng, làm chủ quyền kiểm soát và phân phối nội dung trên không gian mạng, các cơ quan báo chí lớn tăng lượng truy cập trực tiếp vào trang web lên mức tối thiểu 50% tổng lưu lượng truy cập...

Để thực hiện Chiến lược này Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xây dựng “Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí”, hỗ trợ 3 nền tảng: Quản lý tòa soạn điện tử; Phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; Hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí.

Chiến lược chuyển đổi số báo chí cần đi vào thực tiễn

Với sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ cùng với một Chiến lược chuyển đổi số đường dài có những mục tiêu cụ thể, rõ ràng và mang tính khả thi, dựa trên thực tế, các cơ quan báo chí Việt Nam cần làm gì để biến Chiến lược trên thành hiện thực? Có thể nghĩ đến những hướng đi như sau:

Xác lập chiến lược truyền thông đúng đắn, báo chí phục vụ cho người đọc, cho quốc gia

Tiêu điểm của chiến lược truyền thông đúng đắn nằm trong khái niệm “truyền thông vì sự phát triển bền vững” (Development Support Communication). Đây là một khái niệm khá mới mẻ nếu so với lịch sử phát triển của ngành báo chí truyền thông, nhưng vẫn bao hàm những giá trị cơ bản của báo chí: đó là đặt mục tiêu phát triển tờ báo vì bạn đọc, cộng đồng, phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững của mỗi quốc gia.

Báo chí không phục vụ những lợi ích tiêu cực, không đưa thông tin sai lệch, mỗi một nhà báo phải có trách nhiệm với chuyên môn và đạo đức của bản thân... Báo chí phải vận động, đổi mới không ngừng để vừa đáp ứng quá trình thay đổi của đất nước trong xu thế hội nhập toàn cầu, vừa để không lạc hậu với dòng chảy của báo chí thế giới.

Phát triển triệt để, cao độ tính chất “hội tụ truyền thông”

Trong tác phẩm “Tự do công nghệ” (Technologies of Freedom) ra đời năm 1983, tác giả Ithiel de Sola Pool đưa ra khái niệm “hội tụ truyền thông” (media convergence). Với sự phát triển của công nghệ, các loại hình báo chí sẽ không còn có sự ngăn cách.

Cụ thể, báo in, phát thanh, truyền hình, mạng điện tử và các thiết bị di động hội tụ với nhau về mặt công nghệ, kết hợp tất cả các loại hình để đưa thông tin đến với công chúng. Một tờ báo có thể kết hợp cả báo in, báo online, chương trình truyền hình, podcast... và đưa tin trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Twitter, Tik Tok... tạo ra sự lựa chọn phong phú và tiện ích tối đa cho người đọc. Đây cũng là xu hướng phổ biến của nhiều tờ báo Việt Nam hiện nay, cho thấy sự thích ứng nhanh nhạy với việc làm báo trong thời đại mới.

Nói cách khác, hội tụ truyền thông bao hàm một số khía cạnh. Thứ nhất là hội tụ kỹ thuật in ấn, xuất bản, điện thoại viễn thông, phát thanh truyền hình và Internet. Cũng có thể hiểu đó là sự hội tụ của 3 màn hình: màn hình máy tính, màn hình tivi và màn hình điện thoại di động/ máy tính bảng. 

Thứ hai là hội tụ nội dung. Cùng một nội dung có thể được sản xuất ở nhiều loại hình báo chí khác nhau, dĩ nhiên với sự chỉnh sửa và khác biệt đặc thù cho mỗi loại hình.

Thứ ba là sự hội tụ của thị trường. Khi nhu cầu của công chúng ngày càng phong phú, đa dạng, mỗi tờ báo phải tự thay đổi, vận động cho phù hợp và phải có sự đầu tư hợp lý, hiệu quả để nâng cao chất lượng nội dung tờ báo, đặc biệt là phải tiến tới tự chủ tài chính, có nguồn thu bền vững từ bạn đọc.

Thứ tư là hội tụ tòa soạn. Mỗi người làm báo cần có sự tinh thông, đa dạng hóa nghiệp vụ để thích ứng với việc làm báo ngày nay. Họ không chỉ đơn thuần chỉ làm một công việc như trước kia, mà phải tinh thông các biện pháp nghiệp vụ, phương tiện kỹ thuật, làm việc đa năng để đáp ứng nội dung và công nghệ làm báo hiện đại.

Đặt mục tiêu để báo chí vươn tầm khu vực và thế giới

Nhìn thẳng vào thực tế, chúng ta phải thừa nhận rằng, báo chí Việt Nam chưa có những tờ báo có “trọng lượng” trong khu vực hay trên thế giới. Trong tương lai, việc xây dựng những tờ báo đủ mạnh, đủ sức thu hút để mở rộng đối tượng độc giả quốc tế rất cần được chú trọng. Mặc dù đã có một số tờ báo Việt Nam có phiên bản tiếng Anh từ nhiều năm qua, song có thể nói chưa gây được tiếng vang hay ấn tượng đặc biệt.

Vậy làm sao để báo chí mở rộng đến đối tượng độc giả quốc tế? Bên cạnh những thông tin giới thiệu về đất nước, con người, xã hội, thời sự... tại Việt Nam, báo chí cần phải hướng đến những nội dung mang tính khu vực và toàn cầu với một đội ngũ nhà báo và cộng tác viên ở nhiều nơi trên thế giới, sẵn sàng cập nhật thông tin cũng như phát triển nội dung báo chí ngày càng đa dạng, chất lượng cao.

Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực

Báo chí truyền thông cho dù có vai trò gì, xét cho cùng đó là sản phẩm của con người. Có một thực tế nhiều người đã chỉ ra là bên cạnh những nhà báo có chuyên môn tốt, vẫn tồn tại không nhỏ một bộ phận nhà báo nghiệp vụ kém, có vấn đề về đạo đức. Do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực báo chí truyền thông hiện nay cần theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Việc đào tạo cần giúp cho người học tích hợp đa kỹ năng làm báo, phát triển năng lực lựa chọn sự kiện đưa tin, phát hiện đề tài, chọn lọc thông tin và khả năng phân tích, đánh giá sự kiện, vấn đề. Người làm báo cũng cần được đào tạo về các kỹ năng mềm, làm việc nhóm, làm việc độc lập, khả năng kết nối với nhân vật... 

Đạo đức báo chí cũng là việc phải được đặt lên hàng đầu, giáo dục thường xuyên. Mặt khác cơ quan báo chí cũng cần chú trọng phát triển đội ngũ cộng tác viên, những người làm báo không chuyên... để có thêm nhiều nguồn thông tin phong phú hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn