MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sinh con giàu nghèo

Linh Trần LDO | 06/10/2015 14:53
Sinh con thoải mái hay khống chế được thể hiện trong Dự thảo Luật Dân số. Hai phương án, một là: Các cặp vợ chồng có quyền quyết định số con, thời gian sinh và khoảng cách giữa lần sinh. Nhà nước chỉ khuyến khích chỉ nên sinh đến hai con; hai là: Vẫn giữ nguyên quy định, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con.
Thực ra, nhà nước có cấm chuyện sinh con vượt quá quy định thì cũng chỉ “khung” được một số đối tượng, trọng diện “quản” được, thực tế, có người vừa vẫn muốn không bị “dính” đến án kỷ luật, muốn lên chức đã chọn cách ly dị giả vờ để sinh được con thứ 3, nhất là ở thời mà vẫn còn tâm lý “khát” con trai. Có người thì, thôi chấp nhận không công danh, quyền lực, để cố sao cho được người nối dõi tông đường.

Ấy thế mới có chuyện, người người rủ nhau sang tận đất Thái, bỏ cả nửa tỉ đồng để sàng lọc… sao cho được đứa con trai, cho dù tỷ lệ giới tính đang nghiêng lệch về phía nam giới, kể cả những nỗi lo ngại xa xôi rằng, đến thập kỷ sau thì trai Việt sẽ ế, con gái ngày càng đắt giá, cũng không ngăn được cơn thèm khát có được mụn con trai.

Đấy là chuyện của những người có của ăn của để, nhưng với những người không bị “quản sinh” thì vẫn cứ con đàn con đống, có người thì vẫn quyết đẻ dù hết trứng cũng phải cho ra được đứa con trai.

Dư luận đã từng bàng hoàng khi cặp vợ chồng ở quận Hà Đông (Hà Nội), 25 năm chung sống đã có tới 14 con, dù ông chồng mắc đủ thứ bệnh, nào tiểu đường, dạ dày, thận. Chính quyền mời lên thì cũng chỉ biết nhắc nhở mà thôi.

Tuy nhiên, số người sinh con nhiều bây giờ không phải là số đông nữa, gia đình ở nông thôn cũng hưởng ứng phong trào “mỗi gia đình chỉ có hai con”, tỉ lệ có con thứ 3, 4 cũng thuộc diện hiếm với gia đình kinh tế khó khăn.

Hôm qua xem chương trình Lục lạc vàng, cô bé 14 tuổi con một vị giám đốc, đi học bằng xe hơi đã nước mắt ngắn nước mắt dài khi thấy cô bé mới học lớp 2 đã phải lo cơm, tắm giặt cho ba em nhỏ. Cô bé thốt lên rằng, sao đã nghèo lại đẻ lắm con.

Câu hỏi của cô bé chắc chẳng có câu trả lời, kể cả cơ quan chủ quản đang soạn thảo dự luật Dân số.

Dư luận có hai luồng ý kiến, thôi thì cũng đã 10 năm có lẻ mức sinh 1-2 con đã giữ được sự bền vững, bây giờ cũng nên nới lỏng quy định về số con, trong khi Bộ Y tế thì cực kỳ lo ngại sự bùng nổ dân số.

Lo thì lo đấy, nhưng thực tế có cấm sinh được đâu. Có cặp vợ chồng thì sợ đến mức chỉ dám có một con mà thôi, tỉ lệ độc thân, hiếm muộn… ngày một gia tăng, ngay cả gia đình kinh tế khó khăn họ cũng đã không còn dám sinh con nhiều nữa.

Đừng sợ đi vào vết xe đổ của Hàn Quốc, Trung Quốc mà lo ngại với quyết định không nới lỏng quyền sinh con của các cặp vợ chồng.

Sinh con có nên cào bằng sự công bằng? Rõ ràng khoảng cách rất lớn về tỷ trọng dân số giữa các vùng miền, dân tộc. Bài toán cần có đáp số của những cơ quan chức năng, chứ không phải là người dân, cho dù mỗi người dân phải tự chịu trách nhiệm với chính mình, với cộng đồng và xã hội.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn