MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và tàu sân bay trực thăng Nhật Bản JS Izumo trong một cuộc tập trận năm 2016. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Mỹ - Trung - Ấn chi tiêu quân sự "khủng" nhất thế giới năm 2019

Thanh Hà LDO | 27/04/2020 09:46

Chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng mạnh nhất trong một thập kỷ vào năm 2019, đánh dấu năm đầu tiên 2 nước Châu Á - Trung Quốc và Ấn Độ, nằm trong top 3 nước chi hàng đầu cho quân sự. 

Hãng tin AFP cho hay, theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), các quốc gia trên thế giới đã chi 1,9 nghìn tỉ USD cho quân đội trong năm 2019. 

So với năm 2018, mức tăng trưởng hàng năm là 3,6%, mức tăng chi tiêu lớn nhất kể từ năm 2010.

"Chi tiêu quân sự đã đạt đỉnh cao nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh" Nan Tian, nhà nghiên cứu tại SIPRI cho hay. 

Các nhân tố góp phần thúc đẩy sự gia tăng chi tiêu quốc phòng lớn nhất là Mỹ, chi 732 tỉ USD trong năm 2019, tăng 5,3%. Riêng Mỹ chiếm 39% chi tiêu quốc phòng toàn cầu trong năm 2019. Năm 2019 đánh dấu năm tăng trưởng thứ 2 trong chi tiêu cho quân sự của Mỹ sau 7 năm giảm. 

Đáng chú ý, lần đầu tiên, 2 quốc gia Châu Á có mặt trong top 3 chi tiêu quân sự, với Trung Quốc, Ấn Độ chi tiêu ước tính lần lượt là 261 tỉ USD (tăng 5,1%) và 71,1 tỉ USD (tăng 6,8%).

Việc tăng ngân sách cho quân sự của Trung Quốc tỷ lệ thuận với tăng trưởng kinh tế trong suốt 25 năm qua phản ánh tham vọng về "quân đội đẳng cấp thế giới", theo AFP nhận định. "Trung Quốc đã công khai tuyên bố muốn cạnh tranh cơ bản với Mỹ như một siêu cường quân sự" - ông Tian nói.

Theo AFP, việc Trung Quốc tăng chi tiêu cho quân sự cũng phần nào giải thích việc tăng chi tiêu của Ấn Độ. 

"Căng thẳng và cạnh tranh với cả Pakistan và Trung Quốc là một trong những động lực chính cho việc tăng chi tiêu quân sự của nước này" - nhà nghiên cứu SIPRI Siemon Wezeman cho hay. 

Năm quốc gia chi tiêu quân sự hàng đầu thế giới cũng có sự góp mặt của Nga và Saudi Arabia. Năm nước này chiếm khoảng hơn 60% tổng chi tiêu quân sự toàn cầu. 

Theo SIPRI, những diễn biến đáng chú ý khác bao gồm Đức đã tăng chi tiêu 10% trong năm 2019 lên 49,3 tỉ USD, mức tăng theo phần trăm lớn nhất trong số 15 nước chi tiêu hàng đầu. Theo các tác giả báo cáo, việc tăng chi tiêu của Đức có thể lý giải từ việc tăng mối lo ngại từ Nga. 

Dù vậy, chuyên gia Tian lưu ý, "tăng chi tiêu quân sự đã tăng tốc trong những năm gần đây" nhưng xu hướng này có thể bị đảo ngược bởi hậu quả của đại dịch COVID-19 cũng như suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra. 

Khi thế giới đứng trước một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm tàng, theo ông, chính phủ các nước sẽ phải cân nhắc về chi tiêu quân sự so với các lĩnh vực khác như y tế và giáo dục. "Khả năng cao điều này sẽ thực sự tác động tới chi tiêu quân sự" - ông nói. 

Nhìn vào dữ liệu lịch sử từ khủng hoảng tài chính năm 2008, việc giảm chi tiêu sẽ có thể không kéo dài. Theo đó, chi tiêu quân sự có thể giảm từ 1 đến 3 năm sau đó tăng trở lại. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn