MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toàn cảnh 8 năm căng thẳng dẫn đến cao trào xung đột Nga-Ukraina

Ngọc Vân LDO | 25/02/2022 16:20

Mátxcơva nói rằng xung đột Nga-Ukraina hiện tại là kết quả của nhiều năm đàm phán thất bại nhằm chấm dứt tình trạng đổ máu ở miền đông Ukraina sau cuộc đảo chính năm 2014 ở Kiev.

Nga bắt đầu tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraina vào sáng sớm 24.2, vài ngày sau khi công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa ly khai Donetsk và Lugansk ở Donbass, miền đông Ukraina. Mátxcơva khẳng định đang bảo vệ người dân Donbass khỏi Kiev và buộc phải sử dụng đến các biện pháp quân sự sau khi Ukraina từ bỏ ngoại giao trong cuộc xung đột dân sự ở miền đông.

Sự leo thang diễn ra sau nhiều năm đàm phán không thành công, thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ và mối quan hệ bất ổn giữa Nga và phương Tây liên quan đến cuộc đảo chính năm 2014 lật đổ chính phủ ở Kiev.

Dưới đây là những diễn biến chính trong 8 năm qua dẫn đến cuộc xung đột này.

Các cuộc biểu tình Euromaidan ở Kiev kết thúc bằng đảo chính

Các cuộc biểu tình quần chúng ở Kiev, mà sau này được gọi là "Euromaidan" hoặc đơn giản là các cuộc biểu tình "Maidan", bắt đầu vào cuối năm 2013, sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich khi đó quyết định trì hoãn việc ký kết một thỏa thuận liên kết với EU.

Các cuộc biểu tình ôn hòa ban đầu có sự tham gia của những người theo chủ nghĩa dân tộc theo đường lối cứng rắn đã trở thành bạo loạn ở Kiev và khắp Ukraina.

Vào tháng 2.2014, các phe phái thân phương Tây đã lật đổ chính phủ của Tổng thống Yanukovich và các quan chức có lập trường ủng hộ EU và chống Nga lên nắm quyền. 

Trong khi các sự kiện Maidan nhận được sự ủng hộ rộng rãi ở các khu vực phía tây của Ukraine, các khu vực phía đông và phía nam, nơi có đông dân số nói tiếng Nga và có mối quan hệ lịch sử chặt chẽ với Nga, lại phản đối mạnh mẽ. Tại các thành phố như Odessa, các cuộc biểu tình chống Maidan nhanh chóng bị đàn áp dữ dội. Tại các khu vực phía đông Donetsk và Lugansk cũng như Crimea, các cuộc biểu tình ủng hộ Nga vẫn diễn ra.

Crimea bỏ phiếu sáp nhập Nga

Bán đảo Crimea và thành phố Sevastopol, nơi liên tục đặt căn cứ hải quân của Nga mặc dù toàn bộ bán đảo đã được chính phủ Liên Xô chuyển giao cho Ukraina vào năm 1954, đã đáp trả cuộc đảo chính của Kiev bằng cách tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đồng ý sáp nhập Nga vào tháng 3.2014.

Ukraina cũng như phần lớn các quốc gia trên thế giới không công nhận cuộc bỏ phiếu ở Crimea. Các đồng minh phương Tây của chính phủ mới ở Ukraina từ đó áp đặt các biện pháp trừng phạt với chính quyền Mátxcơva và Crimea.

Xung đột nổ ra ở Donbass

Vào tháng 4.2014, hai khu vực ly khai ở Donbass tuyên bố độc lập khỏi Kiev. Chính phủ Ukraina đã phản ứng lại việc thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR) bằng cách phát động cái gọi là “hoạt động chống khủng bố”.

Cuộc giao tranh kéo dài hàng tháng trời với các cuộc pháo kích dữ dội vào các thành phố Donetsk và Lugansk, gây thương vong dân sự và thiệt hại nặng nề cho cả hai bên. Cả Kiev và lực lượng Donbass đều cáo buộc nhau về tội ác chiến tranh. Chính phủ Ukraina cáo buộc Nga chỉ đạo "hành động gây hấn", nhưng Mátxcơva khẳng định quân đội của họ chưa bao giờ tiến vào Donbass.

Thỏa thuận ngừng bắn Minsk chấm dứt giao tranh quy mô lớn

Mặc dù giao tranh ở Donbass chưa bao giờ chấm dứt hoàn toàn, nhưng phần lớn đã ngừng lại sau thoả thuận hoà bình Minsk được ký ở thủ đô Belarus. Theo thỏa thuận ngừng bắn thứ hai giữa chính phủ Ukraina và phe nổi dậy do Nga, Pháp và Đức làm trung gian vào tháng 2.2015, Kiev cam kết cải cách phân quyền, cung cấp quyền tự chủ rộng rãi cho các khu vực phía đông.

Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) đã triển khai nhóm giám sát của mình dọc theo “đường liên lạc” ngăn cách quân đội Ukraina khỏi lực lượng DPR-LPR.

Không có cải cách, không có hòa bình cho Donbass

Kiev và các nước cộng hòa ly khai đã nhiều lần cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận Minsk, nhưng quan trọng là những cải cách đã hứa chưa bao giờ thành hiện thực.

Vào tháng 2.2022, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nói ông “không hài lòng với tất cả các điều khoản” của các thỏa thuận, đồng thời tuyên bố Kiev và Mátxcơva đã nhìn nhận việc thực hiện các thỏa thuận này khác nhau. Nga đã cáo buộc Ukraina từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận, khi các cuộc pháo kích xuyên biên giới tiếp tục diễn ra. Hơn 13.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột từ năm 2014 đến năm 2020, theo Liên Hợp Quốc.

Con đường dẫn đến leo thang ở Donbass

Cuối năm 2021 và đầu năm 2022, cáo buộc về một cuộc tấn công toàn diện sắp xảy ra đã gia tăng ở cả Kiev và các nước cộng hòa ly khai. Các đồng minh phương Tây của Ukraina cáo buộc Nga lên kế hoạch cho hoạt động quân sự để chiếm đóng nhiều vùng đất rộng lớn của đất nước cũng như thủ đô Kiev, trong khi Điện Kremlin tiếp tục bác bỏ các cáo buộc và cáo buộc ngược lại Kiev lên kế hoạch tấn công ở Donbass.

Nga công nhận các nước cộng hòa Donbass

Ngày 21.2, các nhà lãnh đạo của DPR và LPR đề nghị Nga công nhận hai nước cộng hòa là các quốc gia độc lập. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký công nhận cùng ngày, với lý do theo ông nói là Ukraina không có khả năng thực hiện các thỏa thuận Minsk và tiếp tục tấn công Donetsk và Lugansk. Ông Putin cũng đã ký các hiệp ước hữu nghị với DPR và LPR, bao gồm việc cung cấp hỗ trợ quân sự.

Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass

Ngày 23.2, các nước cộng hòa Donbass yêu cầu Nga giúp họ đẩy lùi quân đội Ukraina. Tổng thống Putin đáp lại bằng cách phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass vào sáng sớm 24.2. Ông Putin tuyên bố muốn bảo vệ người dân Donbass, đồng thời tìm kiếm phi quân sự hóa Ukraina. 

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay,  Tổng thống Vladimir Putin đã đặt ra các mục tiêu cho chiến dịch quân sự ở Donbass, và tổng thống sẽ quyết định thời điểm kết thúc chiến dịch “dựa trên kết quả và hiệu quả”.

Tổng thống Zelensky cho biết Ukraina cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga.

Tiếp theo là gì?

Ngày 24.2, Tổng thống Putin khẳng định quân đội Nga “không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraina”.

Mỹ và các nước phương Tây đã công bố gói các biện pháp trừng phạt Nga. 

Khối NATO do Mỹ đứng đầu tuyên bố sẽ không triển khai bất kỳ binh sĩ nào tới Ukraina. Sau cuộc họp khẩn vào ngày 24.2, NATO cho biết thay vào đó họ sẽ "thực hiện các bước bổ sung để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và phòng thủ trong toàn liên minh". Mátxcơva trước đó đã viện dẫn sự mở rộng về phía đông của NATO và khả năng Ukraina gia nhập liên minh là lý do chính để phát động chiến dịch quân sự của mình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn