MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tác giả Nguyễn Quân (đứng) và họa sĩ Trần Lưu Hậu. Họa sĩ Trần Lưu Hậu vừa qua đời vì tuổi cao sức yếu tại nhà riêng ở Hà Nội vào ngày 29.2, thọ 92 tuổi.

Trần Lưu Hậu - bậc thầy hội họa duy sắc, duy tình

Nguyễn Quân LDO | 08/03/2020 16:01
Theo nghĩa đen, ông là một giảng sư uy tín, có ảnh hưởng nhất của Đại học Mỹ thuật Việt Nam suốt hơn 20 năm (1960-1980). Ai cũng tự hào từng được là học trò của Trần Lưu Hậu, không ít người tự đắc khoe mình từng chịu ảnh hưởng của ông. 

Lạ là ông không rao giảng nhiều kiến thức như những người ‘đi Tây’ về, cũng không nghiêm khắc quá về kỹ năng kỹ thuật, không áp đặt những chuẩn tắc hội họa giáo khoa. Ông thường chỉ nhận xét gợi mở mà không thiên về đánh giá đúng sai. Giảng dạy ít mà cựu học sinh luôn nói mình học được ở thầy nhiều và  sâu.

Lời khen cao nhất của ông đối với Nguyễn Tư Nghiêm là: “Ông Nghiêm đến chết vẫn phân biệt được xấu - đẹp”. Thẩm mỹ nhân văn thâm hậu là một  bí quyết của ông thầy nghệ thuật có uy. Dù thân gần, ông không thích tranh của tôi. Họa hoằn ban cho một câu: "Cái ấy được đấy". Với người khác, ông lại bênh “Q có kiểu của nó”. Xem những tranh vẽ cá của Đào Minh Tri, ông vui mừng nói: “Tri nó xong việc rồi đấy”. 

Sự khoan dung thẩm mỹ, tôn trọng tự do cá nhân, những thiên hướng cá tính khác nhau là phẩm chất của những ông thầy giỏi. Suốt thời gian 3 thập niên này, ông sáng tác không nhiều, kìm nén cầm chừng. Ông làm một số thiết kế sân khấu đủ để thành công hàng đầu.

Đạo diễn Nguyễn Đình Nghi nói về trang trí vở "Nguyễn Trãi ở Đông Quan" của Nguyễn Đình Thi: “Ý tưởng thiên tài cậu ạ. Rất đẹp, rất đơn giản mà tạo rất nhiều không gian cho diễn xuất”. Ông vẽ một số tranh lụa và bột màu khá sâu sắc tinh tế, khi thâm u rượi buồn khi hân hoan vui vẻ. Bức lụa nhỏ "Bộ đội về bản" đủ để được giải thưởng triển lãm toàn quốc góp phần vào Giải thưởng Nhà nước của ông, nhưng không hiện thực XHCN ở tầm những tranh "Một buổi cày" của Lưu Công Nhân, "Khi đứa con ra đời" của Trọng Kiệm hay "Ngã ba Đồng Lộc" của Lê Huy Hòa. Hóa ra, Trần Lưu Hậu là  người duy mỹ nhất trong bộ tứ khóa kháng chiến! Sáng tác thời kỳ này nhìn chung là của ông thầy giỏi đủ mức cho học sinh tin cậy noi theo.

Khỏa thân 29 - tranh của Trần Lưu Hậu.

3 thập niên nửa sau của sự nghiệp hoàn toàn khác. Là nghệ sĩ  tự do khi đã lục tuần, long mạch sáng tạo đột nhiên khai thông trùng thời với đổi mới và kinh tế thị trường. Giờ đây, ông có cái tư chất mà nghệ sĩ lớn ước ao: Trí óc, sự lịch duyệt, kinh nghiệm từng trải của người già với trái tim thanh xuân và một tâm hồn con trẻ. Như Picasso nói ‘người ta phải sống rất lâu để trở thành người trẻ’ hoặc ‘vẽ 70 năm  rồi mới vẽ được như một đứa trẻ’. 

Như nước từ trên trời đổ xuống tạo một dòng sông mênh mang băng băng đổ về biển cả nghệ thuật tình người. Thành công thương mại lớn chỉ thêm động lực sáng tạo vững vàng chứ không thể lèo lái dòng chảy như với những họa sĩ còn trẻ bán chạy thông thường. Ông vẽ hàng ngày thiết thân như ăn uống yêu... Ông vẽ cả nghìn bức tranh sơn dầu, acrilic khổ lớn và trung với cung cách chơi đùa màu sắc trực tiếp ngẫu hứng như  trẻ trẻ thơ mà cũng là một thứ action painting độc đáo. Nhìn cái cảnh ngồi xe đẩy vung vãi đưa đẩy màu bê bết trên sàn nhà trái tấm toan ‘khủng’ chỉ một trước lúc cụ quy tiên không thể  không nhớ tới ông già Mattisse hua gậy lên trần nhà và người hùng Pollock dầm  chân vung tay tung tóe sơn dầu. Ông kịp để lại một di sản hội họa đồ sộ độc đáo phi thường, nhất trong thế hệ của mình.  

Dòng sáng tạo ấy hợp lưu các dòng tranh chính yếu là tĩnh vật, khỏa thân, phố Hà Nội, phong cảnh và trừu tượng. Tĩnh vật hoa trái khi hân hoan khi sùng kính, khi bộc cảm gay gắt, khi tiếc nuối một cái gì, khi bâng quơ trang hoàng vui mắt. Nude thường bạo liệt hơn sung mãn dục cảm, màu chảy quánh tràn ra mà những đường viền mạnh bạo không vun vén lại  được.

Xem tĩnh vật và  nude của ông muốn đọc lên câu thơ Xuân Diệu: “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”. Đôi khi đạt tới mức đau đớn. Tranh  Phố thường trong các gam trầm nóng màu đỏ tía nâu lục vàng trắng. Nhà phố cận cảnh như chân dung, vừa có cái u trầm tủi thân kiểu  Bùi Xuân Phái vừa  có cái cao ngạo đường bệ kiểu Nguyễn Sáng.

Sau phố-Phái, phố của Trần Lưu Hậu là đáng nhớ nhất. Phong cảnh núi cao biển xa vườn cây và trừu tượng khổ lớn tựu thành phong cách cá nhân ông hơn cả. Đường nét để diễn ý, màu sắc để ngụ tình. Ông ưa bố cục cân đối đơn giản, thích mặt phẳng và cắt lớp hơn chiều sâu và thấu thị rút ngắn. Nhân vật chính diễn viên chính của kịch tính hội họa là màu sắc với các gam chói chang, tươi mới, hiền hòa lục vàng nâu cam đỏ hồng lam tím lơ nhẹ và trắng trong được neo giữ lỏng lẻo bởi các vết đen sậm. Màu của ông tự kiến tạo không gian để nhảy múa, ngân nga, hít thở  đôi khi có cả vị ngọt, cay nồng, chát... thể hiện rất nhiều sắc thái tình cảm khác nhau. Ông là họa sĩ duy sắc hiếm hoi dù người Việt nói chung bẩm sinh có thị cảm màu khá tinh tế. Tuy nhiên, nếu yêu thích hội họa của ông, rồi ta sẽ nhận ra chỉ các sắc thái tình cảm yêu quý con người mới là chủ thể của mỗi bức tranh. Chúng thấm đẫm trong thiên nhiên hào sảng choáng ngợp. Ông là họa sĩ duy  tình. Ông nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Cuộc đời trải cả bốn giai đoạn biến động của đất nước: Kháng chiến, chống Mỹ, bao cấp rồi kinh tế thị trường. Hỏi: Anh thấy thời nào ‘hay’? Ông đáp   luôn: “Thời kháng chiến vì nó có tình người nhất”.

Trên sân thượng nhỏ nóc tòa nhà thênh thang đầy tranh, lúc chạng vạng chiều, khi  đã viên mãn đủ cả tam đa Phúc Lộc Thọ, đã thấy hầu hết ước mơ tuổi trẻ trở thành hiện thực, ông buột miệng nói: “Nghệ thuật thì cũng thế thôi, ông Nghiêm, ông Phái thì kém cạnh gì Klee hay Rouault, chỉ còn tình bạn tình yêu người là quý nhất.” 

Cuộc đời và sự nghiệp hội họa đồ sộ duy mỹ dấn thân khiến Trần Lưu Hậu sẽ còn là một bậc thầy của mai sau.

TPHCM tháng 3 năm 2020

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn