MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bức tranh tài chính phi lý của Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam

Nhóm phóng viên LDO | 05/07/2023 11:30

Cùng với những bất thường trong quá trình đấu thầu, Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam (đơn vị thi công chùa Bà Tấm) có một bức tranh tài chính rất phi lý.

Như Lao Động đã thông tin, từ 2017 đến nay, Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam đã tham gia 27 gói thầu, trong đó trúng 24 gói. Tổng giá trị trúng thầu hơn 360 tỉ đồng.

Trong số 24 gói thầu đó, chỉ riêng các dự án thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm (Hà Nội) thì Công ty này trúng tổng cộng 20 gói thầu với tổng giá trị hơn 300 tỉ đồng.

Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam là đơn vị thi công tại chùa Bà Tấm.

Việc liên tiếp trúng các gói thầu có giá trị góp phần giúp doanh thu Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam tăng mạnh trong năm vừa qua.

Theo đó, kết thúc năm 2022, Công ty đưa về hơn 71 tỉ đồng doanh thu, tăng 48% so với năm 2021.

Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng cao cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp phình to là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam chỉ nhỉnh hơn 300 triệu đồng, năm trước đó công ty này cũng chỉ lãi hơn 200 triệu đồng.

Được biết, Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam được thành lập tháng 2.2011. Doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà không để ở.

Bà Dương Ngọc Bích (sinh năm 1976) đảm nhiệm vai trò Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam.

Cập nhật tại thời điểm năm 2022, vốn góp chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam đạt 9,5 tỉ đồng.

Tại ngày 31.12.2022, tổng tài sản Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam xấp xỉ 50 tỉ đồng, giảm 7 tỉ đồng sau 12 tháng. Chiếm phần lớn tài sản của công ty này là hàng tồn kho với 23 tỉ đồng, các khoản phải thu hơn 13 tỉ đồng.

Nợ phải trả tại Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam là 39 tỉ đồng, giảm hơn 6 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Chiếm chủ yếu là nợ vay tài chính với 36 tỉ đồng.

Trái ngược với tình cảnh doanh thu hàng chục tỉ nhưng lãi teo tóp, tài sản sụt giảm tại Công ty cổ phần Xây lắp và Đầu tư xây dựng Việt Nam, khối tài sản của bà Giám đốc Dương Ngọc Bích lại “phình to” trong những năm qua.

Theo thông tin từ Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp), trong 2 năm 2021 và 2022, bà Dương Ngọc Bích và người nhà của mình đã sử dụng 6 bất động sản tại các tỉnh, thành: Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang), Thanh Hoá làm tài sản bảo đảm cho các giao dịch tín dụng tại ngân hàng.

Cụ thể, tháng 3.2021, bà Dương Ngọc Bích dùng một bất động sản thuộc dự án "Khu đô thị sinh thái thuộc các phường Việt Hưng và Phúc Đồng, quận Long Biên, TP Hà Nội làm tài sản bảo đảm cho giao dịch tại Vietcombank.

Tiếp đó, ngày 15.2.2022, bà Ngọc Bích cùng ông Trịnh Hiếu đưa 2 bất động sản thuộc dự án số 02: Khu đô thị nghỉ dưỡng và công viên vui chơi giải trí Nam Sông Mã ("Sun Riverside Village") tại Phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa thế chấp tại Ngân hàng MBBank.

Đến ngày 20.4.2022, bà Ngọc Bích và ông Trịnh Hiếu tiếp tục sử dụng một bất động sản tại Dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng sinh thái Bãi Khem (Sun Tropical Village) thế chấp tại Ngân hàng NCB.

Trước đó, ngày 8.4.2022, cá nhân bà Dương Ngọc Bích đã đưa một bất động sản thuộc Dự án Tổ hợp du lịch sinh thái, dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp, kinh doanh casino, khách sạn, thương mại dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị và các hạng mục liên quan phục vụ mục tiêu phát triển đời sống và du lịch đảo Phú Quốc (Tổ hợp Dự án đảo Phú Quốc) tại Khu du lịch sinh thái Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang làm tài sản đảm bảo cho giao dịch với Ngân hàng Techcombank.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn