MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Phương Hằng khi chưa bị bắt tạm giam. Ảnh cắt từ clip: LĐO

Bà Nguyễn Phương Hằng đối diện án phạt nào với tội danh bị khởi tố?

Quang Việt LDO | 24/03/2022 20:03
Dấu hiệu của tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" cũng như mức phạt nào với bà Nguyễn Phương Hằng theo quy định pháp luật?

Như Lao Động đưa tin, ngày 24.3, Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam - về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân".

Cơ quan điều tra chưa thông tin cụ thể về hành vi sai phạm của bà Nguyễn Phương Hằng.

Tuy nhiên, theo dõi vụ việc, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc khởi tố với bà Hằng đã được dự báo từ trước.

Bởi trước đó, nhiều cá nhân tố cáo bà này về hành vi bôi nhọ, vu khống... trên mạng xã hội, qua các buổi livestream. Điều đáng chú ý là nội dung trong các buổi livestream của bà Hằng luôn có dấu hiệu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận khi liên tục chửi bới, xúc phạm đến nhiều người và đưa ra rất nhiều thông tin chủ quan, ngôn ngữ thiếu chuẩn mực.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Cường, pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội.

Tuy nhiên quyền tự do đó cũng trong khuôn khổ pháp luật. Nếu đi quá giới hạn của quyền tự do ngôn luận thì sẽ xâm phạm đến các quyền hợp pháp khác của công dân.

Hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp, quyền được bảo vệ về danh dự nhân phẩm, uy tín, quyền được bảo vệ về bí mật đời tư cá nhân...

Song khi thực hiện quyền tự do ngôn luận thì công dân cũng phải tôn trọng quyền tự do được bảo vệ về danh dự nhân phẩm của người khác. Quyền tự do ngôn luận bị giới hạn bởi quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm của công dân, quyền bảo vệ về bí mật đời tư cá nhân và hình ảnh cá nhân.

Bởi vậy nếu người nào lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận để xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, hành vi này có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Những hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được thể hiện rất đa dạng như: Chửi bới, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; thu thập, sử dụng trái phép thông tin của người khác; Bịa đặt, vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác; đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác...

"Hành vi sẽ bị xử lý hình sự nếu như hành vi này ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" - luật sư Đặng Văn Cường cho biết.

Trong khoảng hai năm qua, nữ doanh nhân này đã đưa ra rất nhiều thông tin bất ngờ, đã thực hiện hoạt động phát trực tiếp trên mạng xã hội để tố cáo rất nhiều người về hành vi ăn chặn từ thiện, về lối sống thiếu chuẩn mực, về các hành vi vi phạm pháp luật khác. Điều đáng chú ý là nhiều nội dung đã được cơ quan điều tra kết luận là không đủ căn cứ.

Nhiều người cũng đã có đơn thư tố cáo nữ doanh nhân này về hành vi vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của họ. Những nội dung phát trực tiếp trên mạng xã hội của nữ doanh nhân này thể hiện thái độ thiếu kiềm chế cảm xúc, có nhiều lời lẽ, ngôn ngữ không phù hợp với văn hóa và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Nhiều thông tin đã được xác định là không có thật, có tính chất xúc phạm đến danh dự nhân phẩm của người khác nên việc cơ quan điều tra khởi tố nữ doanh nhân này về tội danh trên là có cơ sở.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi cụ thể xảy ra ở thời gian, không gian nào? Hành vi đó xâm phạm đến lợi ích nào của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức nào? Cá nhân nào, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại đến đâu để xác định hành vi phạm tội và hậu quả do hành vi gây ra.

Theo quy định pháp luật, với tội danh này, bà Nguyễn Phương Hằng sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 7 năm tù.

Điều 331 quy định: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Hành vi này thực hiện trên mạng xã hội và gây bức xúc trong dư luận trong suốt thời gian qua. Bởi vậy, Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định đây có phải là hành vi ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội. Và nếu như vậy, nữ doanh nhân này có thể đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh này đến 7 năm tù.

Ngoài tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ đã bị khởi tố thì cơ quan điều tra cũng sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của nữ doanh nhân này trong thời gian qua theo nội dung đơn thư tố cáo của nhiều người, trong đó có các hành vi như vu khống, làm nhục người khác, đưa thông tin trái phép trên mạng Internet.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn