MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường link giả mạo Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Công an cung cấp

Cảnh báo giả mạo cán bộ Nhà nước, lừa đảo hộ kinh doanh

LƯƠNG HẠNH LDO | 25/07/2024 08:32

Thời gian gần đây, tình trạng đối tượng giả mạo cán bộ Nhà nước đặt mua một số mặt hàng nhu yếu phẩm (bàn chải, khăn mặt), đồ gia dụng… với giá trị mặt hàng hàng trăm triệu đồng đã xảy ra. Đây được xem là một hình thức lừa đảo mới, "con mồi" mà chúng ngắm đến là các hộ kinh doanh gia đình.

Mạo danh cán bộ Nhà nước

Chị N.T.H (sinh năm 1982, trú tại Nam Định) đã có hơn 10 năm kinh doanh các mặt hàng gia dụng, nhu yếu phẩm. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ăn, buôn bán, chị H cũng suýt nữa bị một đối tượng mạo danh cán bộ công an để lừa đảo, hòng chiếm đoạt tài sản.

Chị H kể lại, đầu tháng 6.2024, chị đột nhiên nhận được một cuộc gọi của một người tự xưng là đại úy công an của đơn vị trên địa bàn TP Nam Định. Đối tượng cho hay, thời gian tới, đơn vị này cần một số lượng lớn nhu yếu phẩm như: Bàn chải đánh răng, dầu gội đầu, khăn mặt... để cung cấp cho các chiến sĩ trực chốt. Khi chị H hỏi về lý do cụ thể, đối tượng đe nẹt chị bằng cách: "Đây là bí mật Nhà nước, chị không cần biết lý do!" khiến chị nửa tin, nửa ngờ.

Sau đó, chị đã gọi điện cho người nhà cũng làm trong ngành công an để hỏi về vụ việc trên, lúc này, chị H mới tá hỏa bởi những thông tin mà đối tượng này nói đều là bịa đặt.

Làm giả báo cáo duyệt chi

Thông tin từ Công an tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, một số cửa hàng, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Nam nhận được điện thoại của các đối tượng mạo danh cán bộ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đặt mua một số mặt hàng như: Thực phẩm, nhu yếu phẩm (bàn chải, khăn mặt), đồ gia dụng… với giá trị mặt hàng từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Tinh vi hơn, để tạo niềm tin, đối tượng yêu cầu chủ cửa hàng kết bạn qua các tài khoản Zalo và gửi các báo cáo duyệt chi danh mục mua hàng kèm theo chữ ký, dấu giả mạo của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam.

Quá trình giao dịch, ngoài các mặt hàng đã được đặt, đối tượng yêu cầu chủ cửa hàng cung cấp thêm các mặt hàng khác không nằm trong danh mục cung cấp của cửa hàng. Sau khi biết cửa hàng không cung cấp mặt hàng yêu cầu, đối tượng đề nghị chủ cửa hàng liên hệ với cửa hàng khác (thực tế là đồng bọn của đối tượng, tạm gọi là cửa hàng B) để lấy hàng, hứa được chiết khấu cao. Khi chủ cửa hàng đồng ý mua hàng, đối tượng giả danh cửa hàng B yêu cầu chủ cửa hàng thanh toán tiền hàng bằng chuyển khoản, chiếm đoạt số tiền trên rồi cắt đứt liên lạc với bị hại.

Để phòng ngừa thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Nam đề nghị người dân nâng cao cảnh giác và thực hiện một số biện pháp sau: Thận trọng với các đối tượng liên hệ mua hàng trên mạng xã hội Facbook, Zalo. Cần xác minh rõ người, rõ địa chỉ khi tiến hành giao dịch. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh không giao cán bộ gọi điện thoại hoặc sử dụng mạng xã hội để đặt mua hàng với bất cứ tập thể, cá nhân nào.

Ngoài chiêu lừa đảo trên, Công an TP Hà Nội cho biết, thêm một trường hợp ở quận Đống Đa, TP Hà Nội bị chiếm đoạt 500 triệu đồng khi cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến. Nếu cài đặt phần mềm giả mạo, có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn