MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vấn đề bảo mật thẻ ngân hàng cần được quan tâm thường xuyên. Ảnh minh họa: Tr.X

Liên tiếp các vụ mất tiền trong tài khoản ngân hàng

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 24/03/2022 10:55

Hàng loạt các vụ việc “bốc hơi” tiền trong tài khoản ngân hàng gần đây là lời cảnh báo cho sự cảnh giác và vấn đề bảo mật của tổ chức tín dụng. Đồng thời, trách nhiệm các bên liên quan đối với tiền gửi của người dân cũng là yếu tố cần làm rõ.

Nghi vấn bị hack tài khoản

Mới đây, phản ánh tới PV Báo Lao Động, anh L.X.T (phường Quán Bàu, TP.Vinh, Nghệ An) cho biết tài khoản tiền gửi của anh tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bị mất hàng chục triệu đồng nghi vấn do bị kẻ xấu chiếm đoạt, tấn công tài khoản.

Cụ thể, theo anh L.X.T cho hay: “Ngày 28.12.2021, tôi đăng nhập vào tài khoản SmartBanking trên điện thoại không được, sau đó, tôi đã đến phòng giao dịch BIDV ga Vinh có mở lại mật khẩu. Nhưng khi đăng nhập, tôi kiểm tra tài khoản thì đã bị chuyển gần hết số tiền trong đó”.

Theo đó, tài khoản của anh T liên tiếp có các giao dịch bất thường vào khoảng 16h48 ngày 17.12.2021, số tiền 25.800.000 đồng ở tài khoản BIDV của anh T đã bị chuyển vào một tài khoản thuộc ngân hàng Techcombank. Anh T khẳng định mình không hề quen biết hay chủ động thực hiện giao dịch với chủ tài khoản này, đồng thời, không click vào bất cứ đường link lạ nào. Sau sự việc trên, anh L.X.T đã có đơn trình báo tới ngân hàng BIDV đề nghị kiểm tra. Tuy nhiên tới nay, đã 3 tháng trôi qua, số tiền nghi bị kẻ xấu chiếm đoạt nêu trên vẫn chưa được làm rõ.

Trong phản hồi bằng văn bản gửi tới anh L.X.T, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Nghệ An (BIDV) cho biết đã kiểm tra các giao dịch trên hệ thống.

“BIDV đã gửi yêu cầu tra soát sang ngân hàng Techcombank. Việc tài khoản của khách hàng L.X.T bị chuyển tiền không liên quan đến các quy trình thực hiện và các yếu tố bảo mật của ngân hàng" - phía BIDV khẳng định. Phía ngân hàng này cũng cho hay, sau khi nhận được thông tin phản ánh của khách hàng, cán bộ BIDV đã cung cấp sao kê tài khoản theo yêu cầu của khách hàng và hướng dẫn khách hàng trình báo tại cơ quan công an.

Trong thời gian tới, BIDV cam kết sẽ tiếp tục tích cực phối hợp theo đề nghị của khách hàng và yêu cầu của Cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý vụ việc (nếu có).

Ngày 22.3, trao đổi với PV Báo Lao Động, anh L.X.T cho biết đã trình báo cơ quan công an tại địa phương, tuy nhiên, phía công an nói rằng không thể nhận đơn và sự việc này anh T cần phải làm việc với ngân hàng bởi tất cả các bằng chứng phía ngân hàng đang nắm giữ. Đến nay đã 3 tháng trôi qua, số tiền của anh T bị mất vẫn chưa rõ sẽ được xử lý ra sao.

Trước đó, Báo Lao Động cũng đã phản ánh vào ngày 15.3 về trường hợp tài khoản của anh N.V.B (huyện Gia Lâm, Hà Nội) tại ngân hàng Techcombank bỗng mất 100 triệu đồng, nghi vấn do bị kẻ gian tấn công, thực hiện 5 giao dịch bất thường liên tiếp. 

Những vụ việc tài khoản ngân hàng bỗng dưng tiền "không cánh mà bay" vẫn diễn ra liên tục trong thời gian qua. Mới đây đã có trường hợp hơn 400 tài khoản ATM do một ngân hàng thương mại phát hành bị hack và có người chỉ trong 6 phút đã bị rút trộm 24 triệu đồng.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trên thực tế, trong các vụ việc mất tiền trong tài khoản ngân hàng, người dân thường rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng và khá bị động.

Trao đổi với PV Báo Lao Động trong vụ mất tiền ở tài khoản của BIDV phía trên, anh LXT đặt thắc mắc: “Tôi không biết ai có trách nhiệm với số tiền mình đã mất. Tiền gửi ngân hàng mất mà không ai có trách nhiệm gì với cá nhân khách hàng cả". 

Trong khi đó, với vụ mất 100 triệu đồng trong tài khoản tiền gửi ở ngân hàng Techcombank, anh N.V.B đã đăng tải một bài viết công khai trên trang cá nhân. Thu hút hàng nghìn lượt tương tác, bài viết thể hiện nội dung không hài lòng với cách xử lý của Techcombank về vụ việc. 

"Khi người dân mở tài khoản và gửi tiền, ngân hàng quản lý và thu phí hàng năm. Ngân hàng có nghĩa vụ giữ tài sản của khách hàng và bảo mật thông tin tài khoản của khách hàng. Về nguyên tắc, khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, ngân hàng phải chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan công an chứ không phải khách hàng phải chủ động làm việc cơ quan chức năng để truy tìm thủ phạm" - anh N.V.B viết. 

Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trong những vụ việc như trên, cơ quan công an cần vào cuộc để xác minh làm rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó đó mới xác định lỗi gây mất tiền là do khách hàng hay do ngân hàng. Nếu khách hàng để lộ thông tin về tài khoản cá nhân dẫn đến kẻ xấu rút tiền thì ngân hàng không có trách nhiệm phải bồi thường. Còn trong trường hợp kẻ xấu hack tài khoản, xâm nhập vào hệ thống của ngân hàng để chiếm đoạt tài sản mà không do lỗi của khách hàng thì ngân hàng hoàn toàn phải chịu rủi ro trong trường hợp này, phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho khách hàng đối với số tiền đã bị rút khỏi tài khoản đó.

Để xác định trách nhiệm thuộc về ai, rủi ro thuộc về ai thì cần phải xác minh làm rõ nguyên nhân thì mới xác định được những thiệt hại đó ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp khách hàng cho rằng mình không có lỗi trong việc để lộ thông tin tài khoản, thông tin bí mật khẩu... mà ngân hàng vẫn kiên quyết không chịu bồi thường thì khách hàng có quyền khởi kiện ngân hàng đến tòa án để được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn