MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ án phá rừng trên đỉnh Pha Đin không đủ căn cứ để xác định hành vi đưa và nhận hối lộ. Ảnh: Văn Thành Chương

Vụ án phá rừng Pha Đin: Không đủ căn cứ xác định hành vi đưa và nhận hối lộ

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 29/05/2023 20:59
Điện Biên - Mặc dù vụ án phá rừng trên đỉnh Pha Đin được đưa vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tuy nhiên cơ quan điều tra lại cho rằng không đủ căn cứ để xác định hành vi đưa và nhận hối lộ.

Như Lao Động đã thông tin, sáng 29.5, TAND tỉnh Điện Biên đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản xảy ra tại đỉnh đèo Pha Đin, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Các bị cáo gồm: Đinh Văn Cường (SN 1963) - nguyên Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo; Phạm Duy Nguyện (SN 1988) - nguyên kiểm lâm địa bàn; Lầu A Dùa (SN 1978) - nguyên Chủ tịch UBND xã Tỏa Tình cùng Trần Duy Tuấn (SN 1982, trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La); Trương Văn Cường (SN 1988, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). 

Theo Cáo trạng, cuối năm 2020, Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo và UBND xã Tỏa Tình nhận được văn bản (số 2249) của Sở NNPTNT tỉnh Điện Biên về việc hướng dẫn trình tự, thủ tục khai thác gỗ rừng trồng phòng hộ theo kiến nghị của cử tri xã Tỏa Tình.

Lầu A Dùa đã giao cho Phạm Duy Nguyện tìm hiểu các hộ dân có nguyện vọng khai thác. Tuy nhiên Nguyện đã báo cáo lại diện tích rừng của các hộ dân không đủ 600 cây/ha, không đảm bảo điều kiện để khai thác.

Đinh Văn Cường trả lời Hội đồng xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Thanh Bình

Cùng thời gian này, Trần Duy Tuấn đã được Đinh Văn Cường thông tin về việc có văn bản số 2249 của Sở NNPTNT hướng dẫn trình tự, thủ tục cho phép cắt tỉa 20% trữ lượng của khu vực rừng thông để nghiên cứu làm hồ sơ xin khai thác.

Đầu năm 2021, Tuấn đến gặp các hộ dân ở bản Hua Sa A đặt vấn đề mua gỗ thông, mỗi hộ dân được nhận cọc 2 triệu đồng và phải photo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để Tuấn đi làm thủ tục.

Sau đó, Tuấn và Cường đã tổ chức mời cơm Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo để nhờ tạo điều kiện cho làm hồ sơ khai thác và sẽ “cảm ơn” sau. Đồng thời, tìm gặp Lầu A Dùa và Phạm Duy Nguyện nhờ tạo điều kiện và cũng hứa sẽ "cảm ơn" sau.

Sau khi được tạo điều kiện, các đối tượng Tuấn, Cường đã tiến hành đem máy móc lên san ủi mặt bằng làm lán trại cách trụ sở xã Tỏa Tình khoảng 500 mét và tiến hành khai thác rừng Thông.

Cuối tháng 5.2021, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Điện Biên tiến hành kiểm tra và yêu cầu tạm dừng việc mở rộng đường do chưa được cơ quan có thẩm quyền chưa cho phép khai thác. Lầu A Dùa đã ký quyết định xử phạt hành chính đối với Tuấn về hành vi hủy hoại đất, mức phạt 3,5 triệu đồng.

Sau đó, các đối tượng tiếp tục khai thác và thuê thêm người để tiến hành khai thác. Đến giữa tháng 7.2021, khi vụ việc được báo chí phát hiện và UBND huyện Tuần Giáo kiểm tra, yêu cầu dừng khai thác, Nguyện đã báo cho Tuấn bảo cất hết máy móc, phương tiện và dọn dẹp toàn bộ số gỗ đã khai thác ở hiện trường.

Từ tháng 4 đến 7.2021, các đối tượng đã khai thác trái phép 1.278 cây Thông với khối lượng hơn 794m3 trên diện tích 8ha trữ lượng gỗ thông thuộc Khoảnh 16, Tiểu khu 618 với tổng giá trị thiệt hại gần 1,9 tỉ đồng. 

Về việc đưa, nhận tiền trong quá trình khai thác trái phép rừng thông tại bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, kết thúc điều tra không đủ căn cứ xác định các đối tượng trong vụ án và các cá nhân khác có hành vi phạm tội đưa và nhận hối lộ.

Viện KSND tỉnh Điện Biên quyết định truy tố ra trước tòa đối với Trần Duy Tuấn, Trương Văn Cường về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" theo điểm c, khoản 3, Điều 232, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ 5-10 năm tù.

Truy tố Đinh Văn Cường, Phạm Duy Nguyện, Lầu A Dùa về tội "Vi phạm quy định về quản lý rừng" tại điểm c, khoản 3, Điều 233 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt từ 5-12 năm tù.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản xảy ra tại đỉnh đèo Pha Đin sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày mai, 30.5.

Ngày 14.7.2021, Báo Lao Động có bài "Bất lực nhìn rừng phòng hộ trên đỉnh Pha Đin bị chặt phá". Theo đó, ngày 12.7.2021, có mặt tại khu vực đỉnh đèo Pha Đin, phóng viên đã chứng kiến những hình ảnh tan hoang của hơn 100 hecta rừng thông vốn đang xanh tốt. Các loại máy móc đang hoạt động nhộn nhịp như một công trường.

Sau đó, Báo Lao Động tiếp tục có nhiều loạt bài phản ánh về những vấn đề xung quan vụ việc này: Vì sao chính quyền xã, kiểm lâm bất lực vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin? Vì sao vụ phá rừng trên đỉnh Pha Đin bất động sau hơn 1 năm?  Văn bản số 2249 có phải tín hiệu “đèn xanh”?...

Đến nay, sau gần 2 năm Báo Lao Động phản ánh, vụ án đã chính thức được đưa ra xét xử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn