MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cách chuẩn bị mâm cỗ cúng ông Công ông Táo để cả năm no ấm

Nguyễn An (TH) LDO | 30/01/2016 07:52
Vì Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu trong nhà, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người dân thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể.

Theo dân gian, ngày 23 tháng chạp hằng năm, tất cả mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn để tiễn ông Công ông Táo lên chầu trời, báo cáo tình hình trong gia đình của năm qua với Ngọc Hoàng. Xưa kia, dù con cái bận rộn, cũng bớt chút thời gian về sum họp bên gia đình trong ngày lễ ông Công ông Táo. Thế nhưng, nay nhiều gia đình không có điều kiện để thực hiện điều này, nhưng dù thế nào thì mâm cỗ cúng vào ngày này vẫn không thể thiếu, dù không thật tươm tất, nhưng theo các cụ thì phải thật thành tâm, với mong ước năm sau sẽ khởi sắc hơn năm trước, sang năm mới no đủ hơn năm cũ.

Lễ vật cúng Táo Quân gồm có: Mũ ông Công ba cỗ: Hai mũ của hai Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Để giản tiện, nhiều người chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Có thể chọn một trong hai lễ vật trên trong ngày ông Công ông Táo 

Một thứ không thể thiếu là một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Mâm cỗ chung

Tùy theo từng gia đình có thể chuẩn bị những lễ vật cúng ông Công, ông Táo khác nhau và còn phù thuộc vào văn hóa của từng vùng miền. Ngoài các lễ vật chính kể trên, thì còn có lễ mặn, hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo Quân.

Một mâm cỗ mặn cúng ông Công ông Táo thường gồm các thứ sau:

- 1 đĩa gạo

- 1 đĩa muối

- 5 lạng thịt vai luộc

- 1 bát canh mọc

- 1 đĩa xào thập cẩm

- 1 đĩa giò

- 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống)

- 1 đĩa xôi gấc

- 1 đĩa chè kho

- 1 đĩa hoa quả

- 1 ấm trà sen

- 3 chén rượu

- 1 quả bưởi

- 1 quả cau, lá trầu

- 1 lọ hoa đào nhỏ

- 1 lọ hoa cúc

- 1 tập giấy tiền, vàng mã

 Những món thường được dùng trong mâm lễ mặn

Nhiều gia đình có trẻ con, người ta còn cúng Táo Quân một con gà luộc nữa. Gà luộc này phải thuộc loại gà cồ mới tập gáy (tức gà mới lớn) để ngụ ý nhờ Táo Quân xin với Ngọc Hoàng Thượng Đế cho đứa trẻ sau này lớn lên có nhiều nghị lực,thông minh và sinh khí hiên ngang như con gà cồ vậy.

Nhiều bà nội trợ cũng chủ động thay các món trong mâm cỗ, như thay đĩa thịt lợn luộc bằng gà luộc, hoặc thay đổi các món canh.

 Hoặc có thể thay đổi theo ý bà nội trợ, nhưng nhất thiết phải đủ lễ vật: Mũ ông Công, ông Táo, món luộc. rán., xào, canh, bánh chưng hoặc xôi, hoa, quả, nước, rượu, cau trầu, cá chép...

Theo dân gian, cúng ông Táo phải đặt trong khu bếp, khi cúng nên bật bếp lên để có hơi ấm tỏa ra. Mâm cỗ đề huề thì cả nhà sẽ quanh năm no ấm.

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.

 Mâm cỗ cúng chay của người dân Nam Bộ trong ngày ông Công ông Táo

Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy là đủ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn