MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

10 điều về “Hamilton” cơn sốt nhạc kịch đang càn quét nước Mỹ và thế giới

LAN PHƯƠNG (Tổng hợp) LDO | 18/06/2016 14:10
Hãy cùng nhìn lại 10 điều đã khiến một vở nhạc kịch có đề tài lịch sử khô khan, trở thành một làn sóng và được đánh giá là đã thay đổi không chỉ sân khấu nhạc kịch nước Mỹ mà cả thế giới.

Với một loạt giải thưởng danh giá như Grammy cho “Album nhạc kịch hay nhất”, Pulitzer cho “Tác phẩm chính kịch” và gần đây là 11 giải Tony (16 đề cử), “Hamilton” đã trở thành một trong những vở nhạc kịch thành công nhất trong lịch sử sân khấu Broadway. Kể từ khi bắt đầu được trình diễn tại New York (2.2015), vở nhạc kịch được làm theo phong cách Hip-hop kể về cuộc đời của người sáng lập ra nước Mỹ, Alexander Hamilton và cuộc cách mạng Mỹ, luôn ở trong tình trạng cháy vé và có giá vé chợ đen lên tới 10.000 USD. “Hamilton” cũng đã trở thành một hiện tượng trên toàn thế giới dù hầu hết người hâm mộ chưa bao giờ được xem trực tiếp trên sân khấu.

1. Tổng thống Obama “tự nhận” có công tạo nên “Hamilton”

Năm 2009, trong một sự kiện âm nhạc được tổ chức tại Nhà Trắng, tác giả đồng thời là nam diễn viên chính của “Hamilton”, Lin-Manuel Miranda đã từng trình diễn một ca khúc tự sáng tác, sau này đã trở thành ca khúc mở đầu cho toàn bộ vở nhạc kịch. Sự sáng tạo, tính cách độc đáo cùng niềm đam mê Hip-hop và lịch sử nước Mỹ của Miranda đã chinh phục hoàn toàn các khán giả, bao gồm cả vợ chồng Tổng thống Obama ngay từ thời điểm đó. Điều này được chính ông Obama nhắc lại trong buổi tái ngộ với Miranda và gặp gỡ dàn diễn viên “Hamilton” 7 năm sau đó, vào đầu năm nay, cũng tại Nhà Trắng.

Dàn diễn viên đa sắc tộc của “Hamilton” trên sân khấu.

2. “Hamilton” chứng tỏ Hip-hop và Rap có thể tạo nên cơn sốt phòng vé

Sau thất bại của “Holler If Ya Hear Me”, một vở nhạc kịch sử dụng các ca khúc của ngôi sao nhạc Rap - Tupac Shakur, những tưởng rằng sân khấu Broadway vẫn còn là một địa hạt khép kín trước những phong cách âm nhạc hiện đại. Nhưng “Hamilton” với phần âm nhạc đa dạng từ Pop, Rock, Jazz, âm nhạc Mỹ truyền thống… trong đó, nổi bật nhất là ca khúc Hip-hop và Rap, là minh chứng cho thấy chỉ cần làm đúng và làm hay, Hip-hop và Rap sẽ vẫn có thể làm nên chuyện.

3. “Hamilton” khiến Broadway đa dạng hơn

Trong năm 2016, 14 trên tổng số 40 đề cử cho nhiều vai diễn Broadway tại các giải thưởng sân khấu đều thuộc về các diễn viên da màu, trong số đó, có 7 gương mặt đến từ “Hamilton”. Trong khi tại hầu hết các vở nhạc kịch khác, dàn diễn viên vẫn chủ yếu do các diễn viên da trắng đảm nhận, thì diễn viên trên sân khấu “Hamilton” lại đến từ nhiều dân tộc khác nhau với nhiều màu da khác nhau. Vở nhạc kịch của Lin-Manuel Miranda thậm chí còn gây tranh cãi khi thông báo ưu tiên tuyển diễn viên da màu.

4. “Hamilton” là lời đáp trả cho chủ nghĩa dân tộc của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump

Với dàn diễn viên đa sắc tộc, nội dung đề cập đến rất nhiều vị anh hùng trong lịch sử nước Mỹ có nguồn gốc nhập cư, “Hamilton” là lời nhắc nhở đanh thép rằng, rất nhiều người góp phần tạo nên sức mạnh của nước Mỹ lại không sinh ra trên lãnh thổ quốc gia này - một thực tế mà ứng cử viên Tổng thống Donald Trump dường như “quên mất” trong chiến dịch tranh cử của mình. Bản thân Lin-Manuel Miranda cũng có bố mẹ được sinh ra tại Puerto Rico.

5. “Hamilton” sở hữu lượng fan hâm mộ “khủng” toàn người nổi tiếng

Có điểm gì chung giữa các nghệ sĩ Beyoncé, Amy Schumer, Paul McCartney, Busta Rhymes, vợ chồng Tổng thống Obama, Ứng cử viên Tổng thống Hilary Clinton và đối thủ cùng đảng Bernie Sanders? Chính là tình yêu đối với “Hamilton”. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama gọi vở nhạc kịch là “tác phẩm nghệ thuật xuất sắc nhất mà bà từng chứng kiến”, trong khi Tổng thống Obama khẳng định, “Hamilton là câu chuyện cho tất cả chúng ta và về tất cả chúng ta”.

 

Tác giả, nam diễn viên chính Lin-Manuel Miranda trên sân khấu của “Hamilton”.

6. “Hamilton” là một trong số rất ít các vở nhạc kịch đoạt giải Pulitzer

“Hamilton” không chỉ gây bất ngờ với giải Pulitzer dành cho tác phẩm kịch, Lin-Manuel Miranda cũng là tác giả nhạc kịch hiếm hoi được nhận giải thưởng MacArthur danh giá.

7. “Hamilton” khiến tỉ lệ tội phạm tăng cao

Rất nhiều vụ lừa đảo liên quan đến vé xem “Hamilton” đã được ghi nhận và xử lý - một hệ quả không thể tránh trước tình trạng cháy vé hoàn toàn của vở nhạc kịch.

8. “Hamilton” có vé siêu rẻ cho đến siêu đắt

Giá vé trên trang web chính thức của vở diễn dao động từ 139 USD - 549 USD. Tuy nhiên, tại thị trường chợ đen, tốc độ tăng giá vé được ví với tốc độ của tên lửa. Giá trung bình hiện đang ở mức 2.000 USD nhưng để có thể có mặt trong buổi biểu diễn cuối cùng của vai chính Lin-Manuel Miranda vào tháng 7, người xem sẽ phải bỏ ra khoản tiền lên đến 10.000 USD.

Tuy nhiên, không phải chỉ có người thu nhập cao mới có thể xem “Hamilton”. Mỗi buổi diễn sẽ có 21 ghế hàng đầu tiên có giá 10 USD được bán thông qua phương pháp quay số. Con số khoảng 1.000 người xếp hàng thử vận may mỗi ngày, khiến nhà sản xuất phải chuyển việc quay số thành trực tuyến. Đáng chú ý là ngay trong ngày đầu tiên, trang web quay số đã bị sập khi có hơn 50.000 người tham gia đăng ký. Ngoài ra, hơn 20.000 vé “Hamilton” cũng đã được phân phát miễn phí đến một số trường trung học tại Mỹ, nơi có nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

9. Không có vé, xem “Hamilton” ở đâu?

Mặc dù hầu hết những người hâm mộ vở nhạc kịch đều chưa từng hoặc không có cơ hội trực tiếp thưởng thức nó trên sân khấu, bạn vẫn có thể xem một số trích đoạn và các cảnh hậu trường… trên trang web chính thức của “Hamilton” (Ham4Ham), hoặc tại các lễ trao giải thưởng và các chương trình phỏng vấn trên truyền hình. Các ca khúc của “Hamilton” cũng được đăng tải trên trang nghe nhạc trực tuyến Spotify.

10. “Hamilton” khiến đồng 10 USD của nước Mỹ không thay đổi

Trước khi “Hamilton” ra mắt, các quan chức Mỹ đã từng có kế hoạch thay đổi hình ảnh Alexander Hamilton trên tờ 10 USD bằng một nhân vật lịch sử nữ. Tuy nhiên, thành công vang dội của vở kịch và cơn sốt do nó tạo nên, đã khiến quyết định này bị đẩy lùi, thay vào đó, nhà hoạt động nhân đạo người da đen, bà Harriet Tubman sẽ xuất hiện trên tờ 20 USD cùng với hình ảnh của Tổng thống Andrew Jackson (cũng từng là nhân vật chính trong một vở nhạc kịch, mang tên “Bloody Bloody Andrew Jackson”).

Gợi ý dành cho bạn