MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cây đa Tân Trào đang sinh trưởng tốt tại CLB Hưu trí TP.Cần Thơ. Ảnh: TR.L

Có một cây đa Tân Trào giữa “thủ phủ miền Tây”

Trần Lưu LDO | 17/05/2012 05:51
Lâu nay, khi nói tới cây đa Tân Trào - một biểu tượng truyền thống của Cách mạng Tháng Tám - nhiều người vẫn nghĩ đó là cây đa ở tỉnh Tuyên Quang. Thế nhưng, trên 10 năm qua có một “đứa con” của cây đa Tân Trào Tuyên Quang đang được vun trồng giữa lòng TP.Cần Thơ và đang vươn vai ngày càng lớn mạnh.
Khổng chỉ thế, từ cây đa Tân Trào con này, sau khi được tỉa nhánh nhân giống, hiện hầu hết các địa phương vùng ĐBSCL đã có cây đa Tân Trào…

Nghĩa tình Nam - Bắc

Theo những tư liệu còn lưu lại, vào ngày 21.5.1945, đội tự vệ Đỏ đón Bác Hồ về làng Kim Long (nay còn gọi là Kim Lộng) thuộc huyện Sơn Dương (Tuyên Quang). Nơi đây có một cây đa cao to, sum xuê, tràn đầy sức sống... cách Nà Lừa khoảng 500m. Bác đã đặt tên cho cây đa này là Tân Trào - có nghĩa là nơi bắt đầu của phong trào cách mạng. Bác cũng đặt tên cho vùng này là xã Tân Trào và về đây chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 với những quyết sách quan trọng nhất cho buổi đầu của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách kiềm kẹp của ngoại bang. Dưới gốc cây đa Tân Trào, chiều ngày 16.8.1945, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã tuyên thệ dưới lá cờ đỏ sao vàng, tiến về giải phóng Thái Nguyên... Hơn 63 năm đã trôi qua, cây đa Tân Trào đã chứng kiến biết bao chiến công hiển hách của dân tộc ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Vào năm 2000, trong một chuyến công tác, ông Đoàn Huấn - nguyên Giám đốc Sở Điện lực tỉnh Hậu Giang (nay là TP.Cần Thơ) được Sở Điện lực tỉnh Tuyên Quang trao tặng cây đa Tân Trào con. Sau khi vượt hơn 2.000 cây số về đến TP.Cần Thơ, ông Huấn đã quyết định tặng cây đa Tân Trào cho CLB Hưu trí TP.Cần Thơ (số 30A đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều). Đến nay đã hơn 10 năm, cây đa Tân Trào ông Huấn mang từ Tuyên Quang về hiện vẫn đang sinh trưởng rất tốt.

Ông Nguyễn Quốc Hội - Chủ nhiệm CLB Hưu trí Cần Thơ - nhớ lại: “Lúc mới mang về, cây đa này cao chưa quá đầu người, vòng thân cây chỉ khoảng vài gang tay. Vì đây là “con” của cây đa Tân Trào “mẹ” hơn 300 tuổi ở Tuyên Quang mà Bác Hồ đã đặt tên và cũng là nghĩa tình của người dân miền Bắc dành cho miền Nam ruột thịt nên chúng tôi đã cố gắng chăm sóc kỹ lưỡng”. Đến nay, cây đa đã có dáng dấp sừng sững, thân cây phải đến 3 người ôm, cây vươn cao đến hàng chục mét, tán cây phủ bóng mát xuống cả một khuôn viên rộng lớn.

Không chỉ ở Tây Đô

Để tình cảm ruột thịt của hai miền Nam - Bắc đến với đồng bào trong vùng,  năm 2005, CLB Hưu trí TP.Cần Thơ đã quyết định chẻ nhánh từ cây đa này để ươm ra thành nhiều cây đa con khác. Sau khi nhân giống, Ban chủ nhiệm CLB Hưu trí TP.Cần Thơ đã mang tặng lại các địa phương khác ở ĐBSCL như: Tiền Giang, Cà Mau, Đồng Tháp...; trong đó Bến Tre là tỉnh có 4 địa điểm được tặng là: Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu, căn cứ Tỉnh ủy Bến Tre, đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định và CLB Hưu trí Bến Tre.

Lâu nay, khi ghé CLB Hưu trí TP.Cần Thơ, được nghe kể về lai lịch của cây đa Tân Trào “con”, không ít người dân TP.Cần Thơ cảm thấy ngạc nhiên vì giữa lòng Tây Đô lại tồn tại một biểu tưởng thắm đượm nghĩa tình Nam - Bắc. Còn đối với các cụ trong CLB Hưu trí, mỗi buổi chiều được ngồi dưới gốc cây trò truyện, ôn lại kỷ niệm của những ngày kháng chiến thì không có gì vui bằng. Các cụ tâm sự: Mỗi lần nhìn thấy cây đa, nhiều cán bộ hưu trí có cảm tưởng Bác Hồ kính yêu như vẫn còn đó và đang nhắc nhở con cháu phải biết giữ gìn và bảo vệ nền độc lập tự do của tổ quốc!

Hiện nay hầu hết các địa phương khu vực ĐBSCL đều có cây đa Tân Trào. Tất cả đều đang được chăm sóc và gìn giữ kỹ lưỡng để cây đa Tân Trào mãi mãi là một biểu tượng thiêng liêng của tổ quốc.

Gợi ý dành cho bạn