MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dân ca ví, giặm chính thức được lựa chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.

Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới

LDO | 30/03/2013 20:50
Thông tin từ Phòng Văn hóa phi vật thể, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh chính thức được chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Mới đây, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh chính thức được lựa chọn là di sản đại diện cho Việt Nam xét ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới năm 2014. Tất cả hồ sơ về dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh đang được nhanh chóng hoàn thiện để chính thức trình lên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) muộn nhất vào ngày 31.3.

Ví và giặm là hai thể hát dân ca không có nhạc đệm, được cộng đồng người Việt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo ra trong quá trình sinh hoạt và lao động. Dân ca ví, giặm mang đậm bản sắc địa phương về điệu hát, ca từ, giọng điệu cũng như âm điệu. Theo các chuyên gia ước tính thì hiện nay có khoảng 15 điệu ví và 8 điệu giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp như: Ví phường vải, ví đò đưa, giặm ru, giặm kể…

Ví, giặm thông thường có ca từ bằng thơ dân gian cô đọng, súc tích, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ hát nên luôn được trao truyền, kế thừa và sáng tạo. Ngoài ra, loại hình dân ca này cũng có nội dung phản ánh xã hội, lịch sử; thể hiện những tâm tư, tình cảm, tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa. Bên cạnh đó, dân ca ví, giặm còn giáo huấn, triết lý trọng nghĩa, trọng tình, mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.

Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh hiện nay được lưu truyền rộng rãi trong cộng đồng người Việt ở 259 làng, thôn, xóm, khu dân cư của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh (miền Trung Việt Nam). Đa số người Nghệ-Tĩnh đều biết hát ví, giặm vì loại hình dân ca này chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa, cuộc sống của họ.

Hiện nay, đã có 51 câu lạc bộ dân ca ví, giặm; có hơn 800 nghệ nhân và nhiều cá nhân ở hai tỉnh; các nghệ sĩ, nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ ở Nghệ An và Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh quan tâm tới việc diễn xướng, truyền dạy, bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm. Được biết, tại tỉnh Nghệ An, không gian của dân ca ví, giặm Nghệ-Tĩnh tập trung ở 167 làng, thôn, xóm, khu dân cư thuộc 59 xã, phường trong 14 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.

Gợi ý dành cho bạn