MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

10 năm sống bên bờ sạt lở, người dân ứng phó tạm bợ để cố gắng giữ đất

HOÀNG LỘC LDO | 12/03/2023 09:50

Tình trạng sạt lở đất bờ sông Mỏ Cày ở thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) đã diễn ra từ nhiều năm nay khiến người dân sống trong lo lắng, tự bỏ chi phí ra làm bờ kè nhưng chỉ là tạm bợ.

10 năm sạt lở

Theo phản ánh của người dân thị trấn Mỏ Cày (huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), khoảng trên 700m đoạn sông Mỏ Cày, từ cống đình Hội Yên (thị trấn Mỏ Cày) đến chân cầu Mỏ Cày 2 nhiều năm qua liên tiếp xảy ra sạt lở, đã đe dọa nhiều công trình công cộng, cơ quan nhà nước cũng như gây bất an trong sinh hoạt của người dân.

Là một trong những người dân gắn bó với vùng đất Mỏ Cày từ 50 năm qua, ông Lê Hoàng Nhanh (70 tuổi, ở xã Đa Phước Hội - gia đình có phần đất bị sạt lở trên sông Mỏ Cày) cho biết: “Các vụ sạt lở đất ở đây tuy không lớn, nhưng trở nên nhiều hơn từ khoảng 10 năm trước. Lúc đó nhiều sà lan lớn vận chuyển cát di chuyển nhanh, tạo sức đẩy nước mạnh làm đất 2 bên bờ sạt lở ngày càng nhiều”.

Đoạn bờ kè tạm do gia đình ông Nhanh tự làm để chống sạt lở. Ảnh: Hoàng Lộc 

Ông Nhanh thông tin thêm, việc sạt lở này đã làm đất nhà ông mất hơn chục mét. Nhận thấy tình hình này nếu kéo dài sẽ mất đất nhiều hơn nữa nên gia đình ông đã tự bỏ tiền tích góp ra làm một đoạn bờ kè có chiều dài gần 20 mét để giữ đất.  

Cùng chung hoàn cảnh với ông Nhanh, bà Lê Thị Hai có cả phần nhà trọ, nhà ở cặp mé sông cho biết, cách đây chừng 2 năm, phần kè do gia đình tự làm đã bị sụp xuống làm bà Hai bị té ngã, đến giờ vẫn còn vết sẹo trên chân.

 Sạt lở làm đổ 1 biển báo giao thông đường thuỷ, người dân xây kè tạm để giữ đất. Ảnh: Hoàng Lộc

Theo ghi nhận của Lao Động ngày 11.3.2023, ngay phía dưới nền nhà bà Hai đã xuất hiện những khoảng trống do bị mất đất.

Không chỉ riêng nhà bà Hai mà tại các điểm người dân đã làm bờ kè tạm cũng xuất hiện tương tự khiến người dân lo lắng việc sạt lở có thể diễn ra bất cứ lúc nào.

 Hàm ếch xuất hiện dưới nền nhà bà Lê Thị Hai. Ảnh: Hoàng Lộc

Tìm mọi cách giữ đất

Lo lắng trước tình trạng sạt lở ăn sâu dần, nhiều người dân có phần đất trên đoạn sông này đã tự bỏ tiền làm bờ kè tạm bợ bằng bê tông, bằng gỗ để cố gắng giữ đất.

“Sức chịu đựng của các bờ kè tạm bợ này không lâu nên mong nhà nước sớm triển khai làm bờ kè kiên cố để người dân an tâm sinh sống và phát triển kinh tế”, một hộ dân nói.

 Người dân cố giữ phần đất bờ sông bằng những cọc tre. Ảnh: Hoàng Lộc

Trao đổi với Lao Động, bà Lê Thị Hai thông tin thêm: “Nếu có được bờ kè kiên cố như đoạn sông bên phần đất của cơ quan Viện Kiểm sát thì đâu lo sạt lở. Nhưng người dân chúng tôi làm gì có số tiền lớn để làm bờ kè kiên cố được. Cũng có nghe nói nhà nước sẽ làm bờ kè, nhưng lâu quá vẫn chưa thấy, mà đất thì sạt lở nên gia đình tôi cũng chỉ làm tạm để ráng giữ đất được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Giờ sống lúc nào cũng lo. Hằng đêm ngủ cũng thấy sợ không biết nhà mình bị cuốn xuống sông lúc nào”.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Nhanh cũng bày tỏ mong muốn các ngành chức năng, chính quyền địa phương sớm xây dựng bờ kè kiên cố để bảo vệ đất đai, nhà cửa, cây trái của người dân. “Chứ để lâu là sạt lở hết. Tôi thấy đoạn từ cầu Mỏ Cày 1 đến cống đình Hội Yên đã làm, như vậy người dân an toàn hơn”, ông Nhanh bày tỏ.

Được biết, hiện nay, UBND huyện Mỏ Cày Nam đã kiến nghị cấp tỉnh và đã có các đoàn của tỉnh đến khảo sát đánh giá. Các cơ quan chức năng sẽ sớm giải quyết vấn đề sạt lở này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn