MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các chuyên gia khuyến cáo, người mua nhà cần phải có thông tin đầy đủ, cụ thể về dự án. Ảnh: T.L

111 dự án nhà ở thế chấp ngân hàng tại Hà Nội và TPHCM: Quyền lợi người mua nhà có bị ảnh hưởng?

NHÓM P.V KINH TẾ LDO | 05/08/2016 06:40
Sau khi Sở TNMT TPHCM công bố 77 dự án thế chấp ngân hàng, Hà Nội cũng công bố 34 dự án thế chấp ngân hàng khiến người mua nhà lo sợ sẽ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình, mà nhất là việc cấp sổ đỏ sau này với các dự án nhà hình thành trong tương lai. Nhiều ý kiến từ cơ quan quản lý nhà nước tới các chuyên gia BĐS cho rằng, cần phân biệt rõ các dự án đang thế chấp, thế chấp một phần hay toàn bộ, thế chấp trước khi bán hay sau khi bán. Việc người mua nhà nắm rõ thông tin sẽ tránh được rủi ro.

Vẫn trong tầm kiểm soát

Sau khi Sở TNMT công bố 34 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó GĐ Sở TNMT Hà Nội - cho biết, các dự án vay ngân hàng này là chuyện bình thường trong kinh doanh và đúng luật định. Ông Nghĩa khẳng định, các cơ quan chuyên môn vẫn kiểm soát được và hoàn toàn không ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. “Trên thực tế người mua nhà tại một số dự án này đã và đang được cấp giấy chứng nhận. Mặt khác đến thời điểm này, các chủ đầu tư của các dự án vẫn thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình khi vay vốn và khi bán hàng”, Phó GĐ Sở TNMT nói.

Tại TPHCM, sau khi Sở TNMT công khai 77 dự án thế chấp ngân hàng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - cho rằng, việc dự án thế chấp ngân hàng là hoạt động bình thường của kinh doanh BĐS. Ông Châu nhận định, hiện TPHCM có 584 dự án BĐS đang triển khai thực hiện nhưng chỉ có 77 dự án đang thế chấp, chiếm 13,2% cho thấy phần lớn các dự án không thế chấp ngân hàng”. Việc công khai các dự án đang thế chấp đã cung cấp thông tin cần thiết cho người tiêu dùng và các chủ thể có liên quan, góp phần xây dựng thị trường bất động sản ngày càng minh bạch hơn”, ông Châu nói.

Một trong các dự án thế chấp ngân hàng, đại diện Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng cho rằng, việc doanh nghiệp thế chấp một phần tài sản trên đất của dự án căn hộ cao cấp D’. Le Pont D’or - Hoàng Cầu để vay vốn ngân hàng phát triển dự án là nghiệp vụ tài chính bình thường. Đại diện Tân Hoàng Minh chỉ ra Điều 147 Luật Nhà ở có hiệu lực từ 1.7.2015 cũng quy định: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó”. 

Trả lời Lao Động, đại diện Tân Hoàng Minh cho biết, chỉ những chủ đầu tư nào có uy tín, năng lực triển khai dự án, chỉ những dự án nào có triển vọng kinh doanh tốt thì ngân hàng mới chấp nhận thế chấp và cho vay vốn. “Khi đã cho vay vốn thì ngân hàng sẽ quản rất chặt dòng tiền, buộc chủ đầu tư phải lập tài khoản tại ngân hàng cho vay vốn để khách hàng nộp tiền. Đồng thời, mọi khoản thu, chi của chủ đầu tư cũng được ngân hàng giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiền được sử dụng đúng mục đích”, đại diện dự án khẳng định.

Với dự án đã thế chấp, có đáng lo?

Nói về các dự án đang thế chấp ngân hàng, GS-TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT- cho rằng, điều quan trọng nhất, cần thiết hơn là phải có số liệu các dự án thế chấp đó đã bán căn hộ cho người khác chưa? Đồng thời những người mua căn hộ trên có đem thế chấp lần nữa hay không? “Vì điều chúng ta cần quản lý là một chủ sử dụng đất của một dự án có thực hiện hai quyền cùng một lúc hay không. Đây mới là điều nguy hiểm thật sự cho thị trường. Vì khi một chủ đầu tư thực hiện hai quyền sẽ tạo ra mâu thuẫn xung đột về lợi ích. Mà tình trạng này được coi là có liên quan đến việc có thể đẩy thị trường rơi vào khủng hoảng hoặc là ảnh hưởng đến thị trường tài chính”, ông Võ nói.

Trong khi đó, để bảo vệ người mua nhà, ông Lê Hoàng Châu đề nghị, Sở TNMT khi công bố các dự án bất động sản, nhà ở đang thế chấp cần cung cấp thêm thông tin về mục đích thế chấp vay vốn của chủ đầu tư như: Để phát triển dự án; hoặc để xây dựng công trình, nhà ở trong dự án; hoặc để thực hiện bảo lãnh ngân hàng... để giúp cho người tiêu dùng nắm đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua nhà. Ông Châu đề nghị ngân hàng nhận thế chấp có cơ chế giám sát bên thế chấp (chủ đầu tư) sử dụng nguồn vốn vay tín dụng và vốn huy động của khách hàng đúng mục đích nhằm hoàn thành dự án, nhà ở để bàn giao cho khách hàng.

Cùng quan điểm, ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam - nhận định, đáng lo ngại nhất, khi chủ đầu tư vay tiền ngân hàng dùng tiền vào nơi khác mà không đổ vào dùng dự án, khiến không đủ nguồn cung để bán, khi đó ngân hàng tất yếu sẽ gây khó khăn không chịu giải chấp còn người mua sẽ không có nhà. Tuy nhiên, ông Liêm khẳng định, không phải dự án nào cùng vậy. Bởi vậy, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng khuyến cáo người mua nhà cần phải có thông tin đầy đủ, cụ thể dự án, nên tham khảo thông tin các cơ quan quản lý trước khi quyết định mua nhà dự án thế chấp ngân hàng. “Người mua nhà có thể liên hệ với sở TNMT để được tư vấn xem dự án đó có được cấp sổ đỏ hay không”, ông Nghĩa nói.

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng: “Sao chỉ có 77 dự án được công bố thế chấp?”

TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết: “Việc hiện tại TPHCM chỉ có 77 dự án được công bố đã thế chấp cho ngân hàng là điều đáng ngạc nhiên vì các dự án BĐS đều được thế chấp cho ngân hàng để vay vốn. Đó là nghiệp vụ tài chính bình thường. Người dân không phải lo lắng. Với hàng nghìn, hàng trăm dự án hiện tại thì tại sao chỉ có 70 dự án công bố đã thế chấp cho ngân hàng? Đây là điều đáng ngạc nhiên”.

Các cơ quan chức năng nên điều tra rõ ràng và công bố công khai cho người dân biết chi tiết. Các thông tin về dự án nào đang được thế chấp? Thế chấp vì mục đích gì? Đối với các ngân hàng nhận thế chấp không phải cho vay mà phát hành bảo lãnh. Thời hạn thế chấp bao lâu? Giá trị thế chấp?”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.      LAN HƯƠNG

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn