MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường vành đai 2 TPHCM từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa tạm dừng thi công để rà soát lại hợp đồng BT. Ảnh: Phạm Nguyễn

14km đường Vành đai 2 ở TPHCM làm mãi không xong

MINH QUÂN LDO | 14/09/2021 07:00

Đường vành đai 2 ở TPHCM từ khi được phê duyệt đầu tư đã 14 năm nhưng đến nay còn khoảng 14km chia làm 4 đoạn chưa thể hoàn thành, khép kín.

14 năm vẫn chưa hoàn thành

Vành đai 2 dài 64km, quy mô 6-10 làn xe, chạy qua Thành phố Thủ Đức, quận 2, 7, 8, 12, Bình Tân và huyện Bình Chánh, Hóc Môn. Được quy hoạch từ năm 2007 nhưng đến nay toàn tuyến mới xong 50km, còn 14km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành.

Cụ thể, dự án đoạn 1, từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội dài 3,5km có tổng mức đầu tư 9.000 tỉ đồng. Đoạn 2, từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng dài 2,5km có tổng mức đầu tư 5.500 tỉ đồng. Đoạn 4, từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) dài 5,3km, rộng 60m, có tổng mức đầu tư 9.240 tỉ đồng.

Còn với dự án đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Thành phố Thủ Đức) dài 2,7km, tổng đầu tư hơn 2.700 tỉ đồng đã thi công vào cuối tháng 12.2017. Đến nay, công trình đã thi công đạt 50% nhưng đang phải tạm dừng suốt 2 năm nay để chờ rà soát lại hợp đồng BT, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Công trường thi công dự án đoạn 3 đường vành đai 2 đã tạm ngưng 2 năm qua. Ảnh: Minh Quân

Ông Trần Đức Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Văn Phú Bắc Ái (chủ đầu tư đoạn 3) - cho biết, đang chờ TPHCM ký kết phụ lục hợp đồng BT. Theo ông Thắng, dự án vẫn đang tạm ngưng thi công. Nếu mọi việc được giải quyết và dự án được thi công trở lại, thì chỉ sau 18 tháng là đoạn 3 này sẽ được hoàn thành.

Cần cơ chế huy động vốn

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho hay, vành đai 2 là tuyến đường có vai trò rất quan trọng đối với mạng lưới giao thông TPHCM. Bởi lẽ tuyến đường này giúp giảm một lượng lớn xe đi xuyên tâm qua TPHCM, giải quyết ùn tắc giao thông nội ô.

Để hoàn thành 4 đoạn đường vành đai 2, ông Cương cho rằng, cần có cơ chế riêng để huy động các nguồn lực từ xã hội. “Hiện nay, quỹ đất hai bên dự án này còn nhiều và giá trị còn thấp. Sau khi dự án hoàn thành, giá trị đất sẽ được nâng cao nên các nhà đầu tư bất động sản sẽ được hưởng lợi. Đây là cơ sở để TPHCM kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia thực hiện dự án” - ông Cương đề xuất.

Theo ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM, đoạn 1 và đoạn 2 của đường vành đai 2 đã được lập, trình hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công dự án bằng nguồn vốn ngân sách TPHCM. Sở GTVT TPHCM cũng đã có tờ trình gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định) về hai đoạn này để tổ chức thẩm định theo quy định.

Về đoạn 4, Sở GTVT  đã có báo cáo, kiến nghị UBND TPHCM giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn để tổ chức triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư công dự án trong năm 2020, năm 2021. Tuy nhiên, đến nay, dự án chưa được giao nhiệm vụ, bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư dự án.

“Cả 3 đoạn này, Sở GTVT đã kiến nghị Sở Kế hoạch - Đầu tư sớm tham mưu, báo cáo UBND thành phố, trình HĐND thành phố thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, thông qua chủ trương đầu tư dự án” - ông Bằng nói.

Riêng đoạn 3 đường vành đai 2 đang phải tạm ngưng thi công, lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho hay đã kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành giải quyết các vướng mắc, khó khăn để sớm tiếp tục triển khai thi công hoàn thiện đối với dự án. Trong đó, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Tài chính rà soát quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn