MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trận mưa lớn gây ngập khu vực trung tâm TPHCM tối ngày 6.8. Ảnh: Thế Lâm.

2 trận ngập khu vực hồ Gươm và trung tâm TPHCM: Tội đồ là cống thoát?

Thế Lâm LDO | 20/08/2020 17:06
2 trận mưa to vào chiều tối ngày 6.8 và chiều 17.8 gây ngập nặng khu vực trung tâm TPHCM và khu vực Hồ Gươm. Trung tâm thành phố vốn dĩ là nơi rất ít khi ngập.

Trận mưa kéo dài từ chiều đến đêm tại TPHCM (nhưng chỉ mưa to từ chiều đến đầu tối) đo được ở nhiều nơi có lượng mưa lên đến từ 100mm trở lên. Còn trận mưa tại Hà Nội chiều ngày 17.8 có lượng mưa đo được là khoảng 80mm trong khoảng thời gian từ 16-17h. Mưa lớn, lượng nước lớn dồn dập ập về các miệng cống, việc nước mưa không thể thoát kịp là điều dễ hiểu, và đây cũng là tình trạng thường xảy ra ở nhiều nơi.

Song so với khu vực vùng ven, ngoại thành, khu trung tâm các thành phố lớn có  hệ thống cống rãnh thoát nước thường xuyên được duy tu, nạo vét hơn; tình trạng các công trình xây dựng xây lấn, xây đè lên các miệng cống thoát cũng hạn chế. Chính vì thế, nhiều trận mưa lớn từng diễn ra trong nhiều năm qua nhưng không phải lúc nào khu vực trung tâm thành phố cũng bị ngập úng như nhiều khu vực khác.

Nhiều ý kiến đưa ra so sánh, năm 2008 gần như toàn Hà Nội rơi vào đợt ngập lụt  lịch sử vì mưa to nhiều ngày, nhưng khu vực Hồ Gươm không bị ngập lụt nặng như trận mưa chiều ngày 17.8 vừa qua.

Tương tự, từ đầu năm đến nay không ít trận mưa to ở TPHCM, nhưng chỉ có trận mưa to kéo dài vào chiều tối ngày 6.8 khu vực trung tâm Sài Gòn mới bị ngập và thậm chí ngập nặng, nước dâng lên sát sàn nhà, các hàng quán.

Đổ lỗi do mưa to kéo dài lượng nước dồn về lớn gây ra ngập thì quá hiển nhiên. Càng dễ dàng khi đổ lỗi do hệ thống cống thoát cũ kĩ, xuống cấp, lượng nước lớn khi mưa to không thoát kịp gây ra ngập. Nhưng có lẽ, tình trạng ngập đâu chỉ do bất cứ một nguyên nhân nào duy nhất.

Đường phố khu vực Hồ Gươm bị ngập nặng trong trận mưa chiều ngày 17.8. Ảnh: Tùng Giang-Tạ Quang.

Còn nhớ ngày 17.10.2017, trận mưa lớn gây ngập nặng đường Nguyễn Hữu Cảnh (TPHCM). Đường Nguyễn Hữu Cảnh khi đó được gọi là “rốn ngập”, chính quyền thành phố phải nhờ đến siêu máy bơm hỗ trợ để tiêu thoát nước trong các trận mưa lớn để tránh ngập. 8 lần vận hành trước đó vào các trận mưa lớn, siêu máy bơm giải quyết ổn thỏa, đường Nguyễn Hữu Cảnh tránh được ngập. Tuy nhiên tới trận mưa ngày 17.10.2017 thì siêu máy bơm cũng bó tay. Một sự ngỡ ngàng, ngạc nhiên, và thậm chí được cho là kì lạ, thậm chí có dư luận còn dấy lên rằng có khả năng có kẻ phá hoại.

Nghi án không được truy xét nhưng có một điều được phơi bày rất hiển nhiên: Khi móc dưới các miệng cống thoát nước lên là hàng đống rác, từ chai nhựa PET đựng thức uống, hộp xốp đựng thức ăn cho tới bao nilon, lọ chai, lon… Những thứ rác này không chỉ gây nghẹt cống, đến siêu máy bơm cũng phải “tức thở” trong một trận mưa lớn, mà còn gây hại cho môi trường đến cả trăm năm vì tính khó tiêu hủy của chúng.

Không thể chỉ đổ cho bất cứ một nguyên nhân đơn lẻ nào song trong các nguyên nhân, cũng không thể không kể đến hành vi xả rác bừa bãi, gây nghẹt các miệng cống thoát nước và thu hẹp lòng cống, khiến cho lưu lượng dòng chảy cũng giảm đi, càng khó đáp ứng tiêu thoát kịp thời trong những thời điểm mưa to, đặc biệt là còn kéo dài, lượng nước mưa dồn về lớn.

Hệ thống thoát nước theo thời gian có thể cũ kĩ, xuống cấp, nhưng nếu miệng cống và lòng cống không bị rác choán chỗ gây nghẹt, thu hẹp tiết diện chứa và thoát nước thì cũng sẽ hạn chế được tình trạng ngập nặng như 2 trận ngập vừa qua ở khu vực trung tâm TPHCM và khu vực Hồ Gươm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn