MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Có vướng mắc trong chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí với sinh viên sư phạm. Ảnh minh họa: VGP

2 vướng mắc trong chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí với sinh viên sư phạm

Hoàng Quang LDO | 17/08/2023 12:30

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đang dự thảo Tờ trình về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo Bộ GDĐT, có 2 vướng mắc lớn trong chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí với sinh viên sư phạm cần được tháo gỡ.

1- Vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu

- Theo Bộ GDĐT, tỉ lệ sinh viên được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% so với số sinh viên nhập học và chiếm 24,3% so với tổng số sinh viên đăng ký hưởng chính sách (số sinh viên đăng ký hưởng chính sách là 30.807, trong khi số lượng các địa phương đặt hàng là 1.928 và giao nhiệm vụ là 5.563 sinh viên). Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, số sinh viên thuộc diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội” và được ngân sách nhà nước cấp (thông qua Bộ GDĐT) chiếm tỉ lệ 75,7% so với số sinh viên đăng ký hưởng chính sách và 82,6% so với số sinh viên nhập học. Như vậy, có thể nói phương thức đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên không được triển khai ở mức độ, hiệu quả như quan điểm chủ đạo của Nghị định 116.

- Có 06 cơ sở đào tạo đã được các địa phương sở tại, lân cận đặt hàng nhưng chưa chi trả kinh phí, hoặc mới trả kinh phí một phần rất nhỏ (trong đó có 02 trường trọng điểm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 13 chỉ tiêu; Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 51 chỉ tiêu) ảnh hưởng kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm và gây mất công bằng giữa các sinh viên sư phạm thực hiện theo cơ chế đặt hàng/ giao nhiệm vụ/ đấu thầu và sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội

- Các địa phương lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… có lợi thế về điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nên không thực hiện và chi trả kinh phí đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc gây mất công bằng giữa các địa phương với nhau.

2- Khó khăn, vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm

- Theo Bộ GDĐT, hằng năm Bộ Tài chính chỉ giao khoảng 54% so với nhu cầu kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm của các cơ sở đào tạo giáo viên thuộc Bộ GDĐT. Vì vậy, kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm luôn chậm so với kế hoạch đào tạo dẫn đến khó khăn cho cơ sở đào tạo giáo viên và sinh viên sư phạm.

- Do sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục giữa các địa phương dẫn đến nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai thực hiện đặt hàng/giao nhiệm vụ/đấu thầu đào tạo giáo viên.

Quan điểm của Bộ GDĐT là giữ nguyên những nội dung quy định còn phù hợp tại Nghị định 116. Đồng thời, sửa đổi những nội dung không phù hợp, bổ sung một số nội dung quy định mới để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai và thực hiện. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong thời gian qua, đảm bảo khả thi trong việc thu hồi kinh phí bồi hoàn, góp phần sử dụng hiệu quả ngân sách, thực hiện chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn