MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chốt kiểm soát ở khu vực phong tỏa tại huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào 21h đêm. Ảnh: Hưng Thơ.

24h tại chốt phong tỏa khu dân cư phòng dịch COVID-19 ở Quảng Trị

HƯNG THƠ LDO | 15/08/2020 08:44
Đến sáng ngày 15.8, tại tỉnh Quảng Trị ghi nhận tổng cộng có 7 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 1 bệnh nhân đã tử vong. Để phòng dịch COVID-19, có 6 địa điểm nguy cơ cao liên quan đến các ca nhiễm SARS-CoV-2 bị phong tỏa, trong đó có 4 khu dân cư với rất đông người dân sinh sống. Để đảm bảo không có người ra, vào khu vực phong tỏa, cơ quan chức năng đã lập các chốt, túc trực 24h/24h.

Không để ai ra, vào khu vực phong tỏa

21h đêm, các phương tiện giao thông qua lại khu vực Quốc lộ 1A đoạn qua xóm Bàu, đội 3, thôn Hà Thanh, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thưa thớt. Ở bên đường, ngay cổng vào Khu Công nghiệp Quán Ngang có chốt dã chiến số 3 được dựng lên cách đây 4 ngày. Dù đường vắng, không có người lui tới, nhưng các thành viên ở chốt vẫn túc trực.

Một con đường vào khu dân cư ở huyện Gio Linh bị phong tỏa, có lực lượng chốt chặn 24/24h. Ảnh: Hưng Thơ.

Từ ngày 11.8, chốt này được thành lập, có nhiệm vụ kiểm soát không để ai ra vào khu vực đang phong tỏa là xóm Bàu, đội 3, thôn Hà Thanh. Với 12 thành viên, chốt chia thành 3 ca trực suốt 24/24h. Ở chốt này được trang bị 1 nhà bạt, 1 giường, 1 cái bàn, vài cái ghế nhựa và có điện để thắp sáng. Vào ban ngày, trời nắng ở trong nhà bạt rất oi bức, về đêm thì mát mẻ hơn, nhưng muỗi lại nhiều.

Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh (công tác tại Công an huyện Gio Linh) - chốt trưởng chốt 3 cho biết, nhiệm vụ của các thành viên là không để ai ra vào khu vực phong tỏa, tuyên truyền với bà con các biện phòng dịch COVID-19, nên lúc nào ở chốt cũng phải có người. Vào giờ ăn, cơm được chuyển đến tận nơi, các thành viên ở chốt sẽ ăn tại chỗ, đến ca của người nào thì người ấy phải có mặt và không được rời chốt nếu không có sự điều động.

Do khu vực bị phong tỏa rộng, giao nhau với các trục đường giao thông và khu công nghiệp, lại giáp ranh với xã Gio Quang, xã Linh Hải (cùng ở huyện Gio Linh) nên ngoài chốt số 3, còn có thêm 5 chốt cố định và 1 tổ cơ động cùng làm nhiệm vụ.

Lực lượng công an làm nhiệm vụ tại 1 địa điểm bị phong tỏa ở TP.Đông Hà. Ảnh: Hưng Thơ.

Lần đầu tiên ở nơi này xảy ra chuyện phong tỏa cả khu dân với 108 hộ, hơn 400 nhân khẩu, nên người dân rất bỡ ngỡ. “Có người muốn ra khỏi khu vực phong tỏa để đi làm, hoặc đi mua nhu yếu phẩm. Do bà con chưa hiểu rõ, nên chúng tôi phải lựa lời giải thích, may mắn là hầu hết bà con đều chấp hành. Nhưng không phải vì vậy mà chúng tôi lơ là” – đại úy Lê Thanh Hậu – Trưởng Công an xã Gio Châu nói. Cũng hòm hòm hơn 21h đêm, đại úy Hậu cùng các thành viên ở đội tuần tra xử lý nhanh xã Gio Châu vẫn chạy xe môtô quanh khu vực được phong tỏa. Khi đến các chốt, họ ghé vào hỏi thăm tình hình, hoặc nếu chốt nào alo cần hỗ trợ, họ sẽ có mặt chỉ sau ít phút.

Người dân ủng hộ, nhiệm vụ sẽ hoàn thành

Trong số những thành viên trực ở chốt tại các khu phong tỏa, nếu các lực lượng khác chia ca, thì nhân viên y tế tại chốt số 1 thuộc khu phố 2 (phường Đông Giang, TP.Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) một mình trực suốt 24/24h.

Bác sĩ Nguyễn Sơn (Trưởng Trạm Y tế phường Đông Giang) – nhân viên y tế tại chốt số 1 cho hay, mỗi ngày ông 2 lần vào khu dân cư bị phong tỏa để đo thân nhiệt từng người dân và phun khử khuẩn. “Nếu không đi vào trong khu dân cư thì ngồi ở chốt này chứ không đi đâu được. Đêm hôm thì có lều bạt đó, xếp ghế ra nằm, lúc nào cũng phải sẵn sàng. May mắn là người dân trong khu phong tỏa họ chấp hành, mình và họ cùng cố gắng” – ông Sơn, chia sẻ.

Cán bộ phường hỗ trợ đưa lương thực đến khu vực phong tỏa cho người dân tại TP.Đông Hà. Ảnh: Hưng Thơ.

Để người dân chấp hành các quy định trong khu cách ly, cơ quan chức năng cố gắng hỗ trợ các nhu cầu mà người dân đưa ra. Như ở chốt số 1 nói trên, vào 16h mỗi ngày, bà con sẽ liệt kê các thứ cần mua ở giấy, đưa ra chốt. Sau đó, các thành viên ở chốt sẽ thông tin lại với chính quyền và cử người đi mua giúp.

Bên cạnh đó, nhiều Mạnh Thường Quân cũng tìm đến, gửi tặng các đồ dùng, lương thực thiết yếu cho người dân trong khu vực phong tỏa. Như ở khu vực phong tỏa tại khu phố 1, phường Đông Lễ, TP.Đông Hà, có người dân còn mua thịt lợn, rau, củ, quả đến tận chốt, chia làm từng phần, rồi nhờ mở loa thông báo cho các hộ đến nhận.

Không chỉ quan tâm đến người dân bị cách ly, khi biết nhiều chốt phòng dịch được dựng lên để làm nhiệm vụ, một số cá nhân đã hỗ trợ các lực lượng hệ thống nhà bạt. Họ đến tận nơi, dựng lều, lắp quạt, lắp bóng điện để làm nơi nghỉ ngơi cho các anh em sau ca trực. Rồi có khi buổi sáng, các thành viên ở chốt nhận được ly cà phê, buổi trưa nhận được suất cơm hộp, giữa khuya lại nhận được tô cháo nóng…

Lực lượng làm nhiệm vụ ở chốt phong tỏa được người dân hỗ trợ suất cơm. Ảnh: CA Đông Hà.

Thượng tá Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Công an TP.Đông Hà, thành viên Ban chỉ đạo Phòng, chống COVID-19 TP.Đông Hà nói rằng, khi triển khai phong tỏa các khu dân cư có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19, thành viên ở các chốt có nhiệm vụ rất quan trọng là đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. “Đó là nhiệm vụ khó khăn, vì khu dân cư có đông người dân, địa bàn rộng, để hoàn thành nhiệm vụ không chỉ cần sự nỗ lực của các lực lượng, mà người dân cần phải hợp tác. May mắn là bà con trong khu vực bị phong tỏa ủng hộ, các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp cũng hướng về” – thượng tá Lê Mạnh Hùng, chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn