MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

27 tuổi không còn thích hợp để đi xin việc?

Phương Huyền LDO | 14/02/2023 11:36
Gần đây mạng xã hội xôn xao với bài báo nêu thực trạng người lao động Trung Quốc đang vật lộn để tồn tại hậu đại dịch, những ứng viên 27 tuổi cũng gặp rủi ro khi tuyển dụng, còn người trên 30 tuổi gần như hết cơ hội.

Vậy quan điểm của người lao động và nhà tuyển dụng ở nước ta thế nào? 27 - 30 tuổi có được coi là già khi xin việc?

Sau khi đăng tải, bài viết thu hút được nhiều sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là người lao động, giới tuyển dụng.

Anh Lương Hải (26 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) - nhân viên marketing, chia sẻ - mỗi độ tuổi có lợi thế riêng, tuổi trẻ có sự năng động, xông xáo còn lao động trung niên có kinh nghiệm, ứng xử khôn khéo. 

Theo anh Hải, quan niệm 27 tuổi khó xin việc có thể chỉ đúng với một vài công ty, không thể quy chụp cho tất cả. Những người bạn mà tôi biết, dù ở độ tuổi ngoài 30, họ vẫn có cơ hội việc làm rất tốt. Thậm chí, còn được bổ nhiệm ở chức vụ phó phòng, trưởng bộ phận"  - anh Hải nói.

Chị Nguyễn Thị Lan (30 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) - nhân viên dọn vệ sinh cho rằng, ở độ tuổi của chị, dù xin vào làm công nhân hay làm công việc bán thời gian vẫn có công ty chấp thuận.

Trước khi làm công việc hiện tại, chị Lan có 5 năm làm công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Theo chị Lan, công nhân độ tuổi ngoài 40 có thể ít cơ hội việc làm, từ 27-30 tuổi vẫn có thể xin việc trong nhà máy.

Với vai trò là lãnh đạo một công ty chuyên về lĩnh vực truyền thông, anh Nguyễn Mạnh Cường (sống tại TPHCM) cho rằng, ngoài một số lĩnh vực đặc thù cần người trẻ thì độ tuổi 27 đi xin việc là điều hết sức bình thường.

Anh Cường chia sẻ - các vị trí nhân viên trong công ty anh có độ tuổi từ 22 đến tối đa là 30 tuổi. Tuy nhiên, cấp quản lý, trưởng phòng thì phải từ 25 đến 35 tuổi vì số tuổi đi liền với kinh nghiệm.

Anh Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, số tuổi đi liền với kinh nghiệm làm việc, 27 tuổi không phải quá già để xin việc. Ảnh: NVCC

Theo anh Cường, lao động trẻ (18 - 25 tuổi) thường có mối quan tâm về môi trường làm việc và ưu tiên trải nghiệm nhiều hơn là lương. Do vậy, họ có thể nghỉ việc khi có chỗ mới tốt hơn hoặc không còn cảm thấy phù hợp với môi trường.

Tuy nhiên, với người đã đi làm lâu năm (có thể lấy mốc 27 tuổi) thì lại khác. Họ đã có kinh nghiệm dày dặn, từng trải nhiều môi trường. Thứ họ cần là một sự ổn định cả về lương lẫn chỗ làm nên khả năng đảm nhận chức vụ cao và sự gắn bó lâu dài là điều có thể.

Anh Trần Văn Hoàng - quản lý nhân sự của công ty chuyên về dược, mỹ phẩm - Hà Nội cũng cho hay - công ty anh hiện có hơn 400 nhân viên; thực tế cho thấy nhân viên trẻ ở công ty chiếm phần nhiều hơn, nhưng các chức vụ quan trọng thì thường là quản lý có độ tuổi gần 30, ngoài 30 đảm nhận.

Anh Trần Văn Hoàng cảm thấy 27 tuổi đi phỏng vấn xin việc là điều bình thường. Ảnh: NVCC.

Tính chất công việc có liên quan đến đào tạo nhân viên, anh Hoàng nhận thấy rất nhiều điểm khác biệt khi đi làm giữa hai thế hệ và cho rằng: “Thị trường lao động Việt Nam không thiếu người lao động trên 27 tuổi".

Với anh Hoàng, các bạn trẻ có thể nhanh nhạy, sáng tạo hơn, nhưng cũng không thể phủ nhận sự dày dặn kinh nghiệm thực chiến và khả năng gắn bó lâu dài của các “lão làng”.

Theo anh Hoàng, chỉ cần là người có thể làm tốt công việc và nhiệm vụ của mình thì độ tuổi nào cũng được. “Gừng càng già càng cay, quan điểm về việc 27 tuổi bị coi là quá già để đi xin việc có lẽ chỉ đúng với tiêu chí của một vài công ty" - anh Hoàng cho biết.

27 có quá khó để đi xin việc? Bạn đọc có quan điểm về vấn đề này xin gửi về Email: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn