MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một đoạn kênh Hy Vọng giáp đường Phan Huy Ích (quận Tân Bình) bị ngập rác, tháng 3.2021. Ảnh: Minh Quân

4 kênh rạch ô nhiễm bậc nhất TPHCM sắp được "hồi sinh"

MINH QUÂN LDO | 14/05/2021 19:00

Kênh Hy Vọng, kênh A41, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên và rạch Xuyên Tâm là 4 tuyến kênh rạch ở TPHCM lâu nay bị ô nhiễm, bồi lấp nặng nề nhưng sắp được chính quyền thành phố cải tạo để chỉnh trang đô thị và giảm ngập.

Kênh Hy Vọng (phường 15, quận Tân Bình), đảm nhận tiêu thoát cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng hiện kênh đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khoảng 200 hộ dân sống dọc bờ.

This browser does not support the video element.

Video: Hàng tấn rác thải ở kênh Hy Vọng hồi tháng 3.2021

Mới đây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) lập hồ sơ đầu tư dự án kênh Hy Vọng với tổng chi phí hơn 1.980 tỉ đồng.

Dự án được đề xuất làm từ nay đến năm 2025, với đoạn cải tạo từ đường Phạm Văn Bạch đến giáp kênh Tham Lương, dài hơn 1,1 km, trong đó phần lớn làm kênh hở hình chữ nhật. Công trình bố trí 55 hố thu kết nối thoát nước dọc bờ và xây mới 9 cống xả, hai cống qua đường. Dọc bờ, dự án làm đường hai bên rộng 6 m cùng vỉa hè,...

Kênh A41 (quận Tân Bình) dài khoảng 2 km, đảm nhận thoát nước cho khoảng 50% lượng nước khu vực sân đỗ sân bay Tân Sơn Nhất. Tuyến kênh này cũng đang trong tình trạng bị lấn chiếm, dòng chảy thu hẹp, môi trường ô nhiễm.

This browser does not support the video element.

Video: Kênh A41 đang bị “bức tử”. Thực hiện: Minh Quân

Trước đó, dự án cải tạo kênh A41 đã có chủ trương đầu tư từ năm 2016 với kinh phí hơn 500 tỉ đồng. Tuy nhiên vướng mắc chính liên quan giải phóng mặt bằng khiến dự án chưa triển khai.

Theo kế hoạch, đoạn kênh từ đường Út Tịch đến Giải Phóng làm cống hộp đôi và từ đường Giải Phóng đến Phan Thúc Duyện xây cống hộp đơn. Phía trên làm đường rộng 12 m, vỉa hè mỗi bên 4 m cùng hệ thống chiếu sáng, cây xanh...

Dự án này hiện do UBND quận Tân Bình làm chủ đầu tư, đang được giải phóng mặt bằng để khởi công quý 4 năm nay, hoàn thành năm 2022.

Rạch Xuyên Tâm có chiều dài khoảng 6,2 km, từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, chảy qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp (TP.HCM). Con rạch có 3 tuyến nhánh dài gần 2 km gồm: Cầu Sơn, Bình Triệu, Bình Lợi.

Gần 20 năm qua, con rạch là một trong những nơi ô nhiễm nặng nề của TPHCM.

Người dân hai bên bờ đổ rác xuống dưới rạch Xuyên Tâm. Ảnh: Minh Quân

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TPHCM phê duyệt từ tháng 5.2002, giao Khu quản lý đường sông (thuộc Sở GTVT) thực hiện với kinh phí khoảng 123 tỉ đồng thời điểm đó. Tuy nhiên, dự án sau đó không được thực hiện. Tháng 8.2017, tổng mức đầu tư dự án tăng lên 8.600 tỉ đồng và hiện là 9.300 tỉ đồng.

Dự án đang được đề xuất triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Do vốn trung hạn của TP.HCM không đủ nên thành phố sẽ kiến nghị Trung ương hỗ trợ thêm đối với phần chi phí đền bù, tái định cư; phần xây dựng sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia.

Quy mô xây dựng gồm cải tạo, kè bảo vệ bờ; xây dựng tuyến đường giao thông từ 4 đến 6 làn đường ở hai bên rạch và trên cống bê tông; xây dựng hệ thống cống thu gom nước thải đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải của TPHCM và đáp ứng nhu cầu thoát nước với phạm vi lưu vực 703ha.

Dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên (kết nối TPHCM, tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn) có mức đầu tư hơn 8.200 tỉ đồng.

Mới đây, HĐND TPHCM đã thông qua chủ trương đầu tư dự án, trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương khoảng 4.000 tỉ đồng, còn lại là ngân sách thành phố đối ứng là 4.200 tỉ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021-2025.

Kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên dài hơn 32,7 km được chi 8.200 tỉ đồng cải tạo kênh. Ảnh: Minh Quân

Công trình này gồm các hạng mục xây bờ kè dài hơn 32,7km bằng bê tông; nạo vét toàn tuyến kênh; làm mới sửa chữa các các cống ngang đấu nối ra kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên; xây dựng 12 bến thuyền dọc tuyến kênh; làm đường và công trình hạ tầng dọc theo chiều dài 2 bờ kênh...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn