MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường TH-THCS Lộc Giang (huyện Đức Hòa) - nơi từng xảy ra vụ phụ huynh học sinh hành hung cô giáo năm 2020. Ảnh: K.Q

4 năm, gần 100 vụ bạo lực học đường ở Long An: Ngăn chặn thế nào?

Kỳ Quan LDO | 06/04/2021 15:00
Dư luận từng xôn xao trước vụ phụ huynh học sinh bắt cô giáo quỳ xin lỗi ở tỉnh Long An vào năm 2018. Giữa năm 2020, dư luận lại bức xúc trước vụ việc cha mẹ học sinh ở tỉnh Long An đánh cô giáo chủ nhiệm của con phải đi nhập viện. Đó là phần nổi của tảng băng chìm mang tên “bạo lực học đường” đang được ngành Giáo dục - Đào tạo Long An nỗ lực ngăn ngừa.

Theo ghi nhận của ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Long An, tính từ năm học 2017-2018 đến hết học kỳ I năm học 2020-2021, toàn tỉnh Long An đã xảy ra gần 100 vụ học sinh (HS) đánh nhau với trên 170 HS vi phạm.

Gần đây nhất, vào giữa tháng 3.2021, một HS lớp 7 Trường THCS thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) bị một nhóm HS trong trường đánh, dẫn đến việc cha mẹ học sinh bị đánh dẫn theo một số người kéo vào trường làm mất an ninh, trật tự. Vị phụ huynh còn ra tay đánh 2 HS vì đã đánh con mình. Việc hành hung chỉ dừng lại khi lực lượng công an địa phương có mặt can thiệp.

Trước đó khoảng 1 tháng, một HS lớp 8 Trường THCS Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, bị một nhóm HS đánh và quay clip đưa lên mạng xã hội. Đáng buồn hơn khi qua clip cho thấy, có nhiều HS khác đứng xem, quay clip nhưng không ai can ngăn.

Theo ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Long An, có nhiều lý do dẫn đến các vụ HS gây rối, đánh nhau trong và ngoài trường. Trong đó, có yếu tố do gia đình thiếu sự quan tâm giáo dục, quản lý con em, phương pháp giáo dục con không đúng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của HS, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực. Các mặt trái trên mạng xã hội, phim ảnh bạo lực, nội dung không lành mạnh cũng tác động đến hành vi của HS.

Để phòng, chống bạo lực học đường, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh Long An đang tăng cường phối hợp các cấp, các ngành, giáo dục HS hình thành kỹ năng sống; kỹ năng phòng tránh, giải quyết xung đột; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hàng ngày phát sinh trong trường học, ngoài xã hội. Về phía các nhà trường, cần phối hợp chặt chẽ chính quyền địa phương, phụ huynh để quản lý HS, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, nói không với bạo lực học đường. Phối hợp các cấp, các ngành tăng cường giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống, truyền thống và những kỹ năng phòng tránh bạo lực, tệ nạn xã hội cho HS.

Hiện ở 362 đơn vị, trường học trong tỉnh Long An đã thành lập Tổ tư vấn tâm lý. Đây là nơi để HS tâm sự, chia sẻ những khó khăn, những nguy cơ bị bạo lực học đường, qua đó, nhà trường nắm bắt được kịp thời để có phương pháp, cách thức giải quyết phù hợp.

Một số đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh còn tổ chức cho HS đăng ký tham gia mô hình Lớp học 3 không: Không vi phạm an toàn giao thông; không bỏ học; không đánh nhau, không nói tục chửi thề. Mô hình Camera an ninh góp phần quản lý HS, ngăn chặn kịp thời những vụ bạo lực học đường xảy ra trong khuôn viên nhà trường cũng được nhiều nơi thực hiện. Nhiều trường lập hòm thư góp ý để phát động HS tham gia góp ý, tố giác những HS có biểu hiện liên quan đến vi phạm pháp luật, bạo lực học đường.

Ngành Giáo dục tỉnh Long An còn phối hợp với ngành Công an tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho HS ở các trường học về pháp luật; tác hại của ma túy, tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường; tác hại của những trò chơi bạo lực, văn hóa phẩm độc hại,...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn