MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

54,7% học sinh thấy áp lực vì phụ huynh quá kỳ vọng: Cha mẹ nên làm gì?

QUANG ĐẠI LDO | 05/04/2022 09:53

Theo một khảo sát ở quy mô toàn quốc, có 54,7% học sinh phổ thông cho rằng bố mẹ luôn đặt kỳ vọng quá nhiều vào các em, muốn con mình học tập tốt hơn hoặc trở thành một người giỏi hơn.

Những con số khảo sát đáng suy nghĩ

Theo PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh – giảng viên trường Đại học Y tế công cộng Hà Nội, vào năm 2019, bà điều phối thực hiện Khảo sát Hành vi Sức khoẻ của Học sinh phổ thông toàn cầu tại Việt Nam. Chương trình do tổ chức WHO tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Khảo sát được thực hiện trên quy mô toàn quốc và kết quả cho thấy:

Tỷ lệ học sinh luôn luôn hoặc phần lớn thời gian cảm thấy cô đơn trong vòng 12 tháng trước khảo sát là 9,6% ở học sinh lớp 8, 9 và 16,3% ở học sinh cấp 3 (tỉ lệ ở nữ cao hơn nam)...

Chỉ có 28,5% học sinh nói rằng bố mẹ hoặc người thân các em hiểu được những khó khăn và lo lắng của các em trong vòng 30 ngày trước khảo sát.

 54,7% các em cho rằng bố mẹ luôn đặt kỳ vọng quá nhiều vào các em (muốn con mình học tập tốt hơn hoặc trở thành một người giỏi hơn).

Được biết, khảo sát trên do các trẻ em tự trả lời và với cỡ mẫu gần 8.000 học sinh tại 81 trường tại 20 tỉnh/TP trên phạm vi toàn quốc và ở thời điểm trước đại dịch COVID-19.

“Trong gần 3 năm qua, học sinh ở nhà nhiều, rất ít giao tiếp với bạn bè, thầy cô, cộng thêm áp lực học hành khi chuyển qua học online v.v. nên tỉ lệ các con có những cảm xúc tiêu cực chắc sẽ cao hơn tỉ lệ theo khảo sát năm 2019”, PGS Trần Thị Tuyết Hạnh nhận định và gửi thông điệp đến tất cả các bậc phụ huynh: “Hãy hiểu và đồng hành cùng các con của chúng ta. Cứ con vui, con khoẻ là được”.

Bố mẹ nên làm gì?

Nhà nghiên cứu Bùi Minh Hào (Nghệ An) cho biết: “Do gia đình ít con và áp lực của cuộc sống hiện đại nên hầu hết bố mẹ đều có tâm lý tập trung đầu tư cho con cái học tập để có cuộc sống tốt hơn. Họ luôn muốn con đạt điểm cao, đạt các thành tích xuất sắc trong học tập để chắc suất vào trường đại học tốt nhất. Điều đó tạo nên áp lực lớn cho trẻ em”.

Theo ông Bùi Minh Hào, do mỗi đứa trẻ có một tư chất, khả năng khác nhau nên việc bố mẹ định hướng có tính áp đặt cho con đi theo một con đường đã lập trình sẵn là không phù hợp. “Có em có năng khiếu về hội họa, âm nhạc, thể thao, có em lại đam mê nghiên cứu, sáng chế, buôn bán, nấu ăn.... Trẻ em chỉ cảm thấy hạnh phúc và phát triển tốt nhất khi được học môn yêu thích và làm công việc mà chúng đam mê. Do đó, bố mẹ cần hiểu con mình và đồng hành, khuyến khích con đi theo con đường mà các em đam mê, không nên áp đặt, cũng như không nên kỳ vọng quá lớn vào con”- ông Bùi Minh Hào nói.

Nhà giáo Nguyễn Anh Đức, giáo viên Toán tại Nghệ An, chia sẻ: “Cả gia đình tôi ai cũng theo nghề sư phạm, nhưng con gái đầu nhất quyết theo nghề làm tóc. Ban đầu tôi cũng buồn, khuyên nhủ cháu mãi không được nên đành chiều theo. Đến nay cháu đã thành công, công việc ổn định, thu nhập rất tốt và cảm thấy hài lòng với nghề mình chọn lựa”.

Theo nhiều chuyên gia, trẻ em rất nhạy cảm, thông minh, dễ tổn thương, vì vậy, bố mẹ, người lớn cần thường xuyên quan tâm, gần gũi, cởi mở và tinh tế để các em chia sẻ, động viên và đồng hành cùng các em đến tuổi trưởng thành.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn