MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“5T” hay “10T”?

Lục Tùng LDO | 02/09/2021 18:24

“Thông điệp 5T” của Bộ Y tế tạo ra pháo đài cho người dân an toàn, nhưng có đủ để chiến thắng dịch COVID-19?

Nhiều chuyên gia cho rằng “thông điệp 5T” của Bộ Y tế rất cần, nhưng chưa đủ cho chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

Với quy định: Tuân thủ nghiêm 5K; Thực phẩm đủ tại nhà; Thầy thuốc đến tận gia; Test COVID-19 tất cả; Tiêm chủng tại phường/xã, “Thông điệp 5T” của Bộ Y tế cho thấy điều này cần thiết để tạo ra pháo đài cho người dân an toàn trước dịch trong giai đoạn mới nhưng sẽ chưa đủ để tạo nên chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng, bài học phun thuốc khử trùng vào không khí sẽ thúc đẩy cho việc sớm ra đời thông điệp 10T sau khi Bộ Y tế phát đi thông điệp 5T. Ảnh: TQ

Thực tế cho thấy, tại nhiều địa phương, nhất là ở TP.HCM, nhiều người dân đã và đang kêu khó trên mạng xã hội với địa chỉ cụ thể rất dễ kiểm chứng. Trong khi đó, lực lượng quân đội, dù phẩm chất tốt, nhiệt tình cao, nhưng không thể làm thay nhu cầu của người dân. Mặt khác, “trận cuối” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang là dấu hỏi.

Vì thế, nhiều chuyên gia và công luận mong muốn, bên cạnh “thông điệp 5T” của Bộ Y tế để người dân tạo ra lá chắn cho mình, rất cần có “thông điệp 5T” để nhà quản lý điều hành công tác chống dịch đạt hiệu quả thiết thực hơn. Đây được xem như bàn chân thứ 2, kết hợp cùng bàn chân tự bảo vệ của người dân để tạo nên sự vững chắc cho trận cuối của cuộc chiến.

Theo nhiều chuyên gia, các nhà quản lý cần quan tâm đến “5T” nữa là: Tiền bạc giúp dân an tâm vượt khó; Tình người; Trách nhiệm; Trí tuệ điều hành và Tâm thế xã hội. “Tiền bạc” và “Tình người” giúp dân là rất quan trọng để phát huy hiệu quả bàn chân thứ nhất. Nếu không chấn chỉnh rà soát, giám sát lại danh sách các hộ được cứu trợ thì “thông điệp 5T” trên rất khó duy trì. Công luận cũng rất mong muốn cơ quan chức năng phải quan tâm đến 3T còn lại để mạnh hóa hỏa lực chống dịch.

Thực tế thời gian qua cho thấy, vấn đề Trách nhiệm, Trí tuệ và Tâm thế xã hội chưa được vận hành tốt. Điển hình là việc phun thuốc khử trùng vào không khí. Dù nhiều nhà khoa học đã vận dụng các kết quả nghiên cứu và khuyến cáo của WHO để góp ý, phản biện... nhưng  phải mất hơn 1 năm  Bộ Y tế mới ghi nhận và quyết định ngưng. Điều này không chỉ gây tốn kém không đáng có cho ngân sách, tác động đến môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả phòng chống dịch.

Phải cả năm sau khi các chuyên gia góp ý, Bộ Y tế mới chấm dứt việc phun thuốc khử trùng vào không khí. Ảnh: TQ

Hiện, rất nhiều chuyên gia lên tiếng đề xuất thay phương pháp phòng chống dịch đang vận hành hiện nay là bao vây, truy vết, cách ly... tốn kém mà không mang lại hiệu quả. Cụ thể, không tiếp tục duy trì việc xét nghiệm trên diện rộng, cũng như việc đưa các trường hợp có triệu chứng nhẹ vào tập trung theo dõi... Thay vào đó là phương pháp tự phát hiện, tự điều trị của cá nhân đối với thể nhẹ. Điều này không chỉ giảm áp lực cho hệ thống y tế một cách không đáng có, tăng cơ hội cứu chữa các ca chuyển nặng... mà còn mở thêm cơ hội để vaccine hóa toàn dân - được xem là giải pháp ứng phó thiết thực với dịch.  

Lịch sử đã chứng minh, các nhà khoa học, các chuyên gia Việt Nam luôn sát cánh và mong muốn đóng góp ý kiến, hiến kế cho lãnh đạo đất nước những cách làm hiệu quả, thiết thực trong suốt hành trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, rất cần có kênh tiếp thu để quy tụ trí tuệ, chung tay xây dựng kịch bản phòng chống dịch COVID-19 một cách khoa học, thiết thực và hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn