MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vướng giải phóng mặt bằng khiến đoạn từ đường Phạm Hùng đến Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) vẫn còn dang dở. Ảnh: Hữu Chánh

6 năm chưa làm xong đoạn đường hơn 1 km tại Hà Nội

HỮU CHÁNH LDO | 24/11/2023 19:05

Khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành sau 4 năm, song đến nay, 1,12 km đoạn từ đường Phạm Hùng đến Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng.

Tuyến đường trục có điểm đầu từ đường Phạm Hùng (Vành đai 3) quận Nam Từ Liêm và điểm cuối khu đô thị Vân Canh, huyện Hoài Đức dài khoảng 6 km, được chia thành ba đoạn (ba dự án).

Trong đó đoạn giữa dài hơn 3,5 km từ Lê Đức Thọ tới Quốc lộ 70 (nay là đường Trần Hữu Dực và Trịnh Văn Bô) với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng, thông xe từ năm 2017.

Đoạn cuối từ đường 70 nối với khu đô thị Vân Canh, Kim Chung, Di Trạch (Hoài Đức) - Vành đai 3,5 dài 500 m, thông xe năm 2021.

Đoạn đầu từ nút giao Phạm Hùng đến Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm) có chiều dài hơn 1,12 km có mức đầu tư 300 tỉ đồng được phê duyệt từ năm 2017, dự kiến thông xe vào 2021 nhưng đến nay vẫn còn dang dở.

Tuyến đường 1,12 km hiện mới chỉ hoàn thành khoảng 70% khối lượng. Ảnh: Hữu Chánh

Bà Lê Thị Lan - một hộ dân nằm trong kế hoạch giải phóng mặt bằng của dự án đường kết nối từ đường Phạm Hùng (Vành đai 3) với Vành đai 3,5 đến nay vẫn chưa di dời do không đồng thuận về giá đền bù.

"Giá đền bù giải phóng mặt bằng hiện là 18 triệu đồng/m2. Số tiền quá thấp, rất khó có thể tìm được chỗ tái định cư" - bà Lan nói.

Năm thành viên trong gia đình bà Lan sống trong căn nhà đã xây dựng gần 20 năm, hiện đã xuống cấp, ẩm thấp, nứt tường. Bà Lan không thể sang nhượng, sửa chữa nhà vì nằm trong quy hoạch.

"Gia đình tôi giờ di dời cũng không được mà ở lại cũng không xong" - bà Lan cho hay.

Nơi đây trở thành điểm đổ trộm rác thải sinh hoạt, xây dựng, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hữu Chánh

Không chỉ mệt mỏi vì chuyện đất tái định cư, nhà cửa xuống cấp, nhiều người dân ở đây còn mà còn lo lắng cho sức khỏe khi hàng ngày đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường.

"Rác thải từ các quán nước, các hộ kinh doanh, người dân ở trong làng hay thậm chí là từ những khu vực khác đều đổ dồn về đây, chất thành từng đống" - ông Hồ Văn Lâm (55 tuổi) cho biết.

Nhiều lần chính quyền đã cho xe ra ủn rác đi nhưng một lúc sau lại có người ra đổ rác trộm. Thậm chí, người dân còn xử lý tình trạng này bằng cách đốt rác, gây khói bụi, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và rất mất mỹ quan đô thị.

"Mong chính quyền và người dân sớm thoả thuận phương án đền bù để tuyến đường được xây dựng hoàn thiện, việc đi lại của người dân được thuận lợi, cuộc sống cũng có sự thay đổi sau thời gian dài sống trong ô nhiễm" - ông Lâm nói.

Một số đoạn đã trải thảm mặt đường. Ảnh: Hữu Chánh

Theo ghi nhận, dự án chậm tiến độ thời gian dài nên đoạn đường trở thành nơi đổ trộm rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Hiện, phần đường tiếp nối với đường Phạm Hùng đã hoàn thiện nhưng chưa thể đưa vào sử dụng. Tại điểm nối từ ngã tư Lê Đức Thọ đi sâu vào khoảng 200 m đã được trải thảm nhựa nhưng vẫn ngổn ngang các ụ bê tông, gây mất an toàn cho người dân khi lưu thông qua đây...

Vướng mắc đền bù, giải phóng mặt bằng khiến đoạn đường chưa thể thi công hoàn thiện. Ảnh: Hữu Chánh

Theo tìm hiểu của Lao Động, đến nay nhà thầu thi công trên diện tích bàn giao mặt bằng khoảng 70% khối lượng. Khối lượng còn lại liên quan đến hàng chục hộ dân đang sinh sống trên đất ở.

UBND quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần họp, đối thoại với người dân về công tác giải phóng mặt bằng nhưng đến nay vẫn chưa đi đến thống nhất chung khiến dự án vẫn rơi vào bế tắc.

Tuyến đường hoàn thiện sẽ giúp người dân ở khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và cư dân huyện Hoài Đức vào trung tâm Hà Nội rút ngắn khoảng cách hơn chục km thông qua đường Trịnh Văn Bô, Trần Hữu Dực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn