MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong mọi hoàn cảnh, các bác sỹ và nhân viên y tế luôn nỗ lực cao nhất vì sức khỏe và tính mạng người bệnh. Ảnh: CTV

8 tháng - người bệnh đau đớn và những thử thách của ngành y

LÊ PHI LONG LDO | 26/10/2022 08:22

"Cơn bão" thiếu vật tư, thiếu thuốc đã và đang là vấn đề thu hút sự chú ý của người dân và nghị trường Quốc hội. Đừng quên rằng, đã 8 tháng trôi qua kể từ khi có những phản ánh đầu tiên về tình trạng trên. 

Một thực tế cho thấy rằng, việc thiếu một số nhóm thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế đã ảnh hưởng rất nhiều đến công tác chẩn đoán, điều trị, kể cả tại các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện tuyến cuối như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương... 

“Cơn bão” trên đã khiến bệnh nhân phải mòn mỏi đợi thuốc, đợi đủ trang thiết bị, vật tư y tế mới được… điều trị. Nghe rất ngược đời.

Nguyên nhân được cho là do vướng mắc trong công tác đấu thầu. Mặt khác, hiện cán bộ y tế và nhà cung cấp trang thiết bị đều có tâm lý e ngại sợ sai sau một loạt các vụ việc của ngành y tế thời gian qua, đặc biệt là người đứng đầu.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các linh kiện máy móc cao cấp như máy xạ trị, máy CT hỏng thì buộc phải mua đúng loại hãng đó mới sử dụng được. Tuy nhiên, nếu ghi rõ là mua linh kiện của hãng cụ thể, sẽ bị coi là vi phạm chỉ định thầu. Vì vậy, bác sĩ "như ngồi trên lửa" vì máy CT hỏng mà không biết làm sao mua thiết bị thay thế.

Đó là một ví dụ cho một thực tế đau xót đang diễn ra, và người chịu thiệt thòi lớn nhất là những người bệnh.

"Đã có nhiều trường hợp bác sĩ, nhân viên y tế âm thầm tự bỏ tiền túi để mua sinh phẩm y tế, thuốc để kịp thời cứu chữa người bệnh" - đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu) thẳng thắn nói.

Tại diễn đàn Quốc hội đang diễn ra, ông Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - cho rằng, từ khi có những phản ánh đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đến nay đã hơn 8 tháng. Chính phủ, các bộ, ngành đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ lắng nghe cán bộ y tế, nhưng vẫn chưa có những thay đổi về chính sách để khắc phục khó khăn khi mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế.

Để giải quyết tình trạng chung trên, cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đang tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu thuốc.

Có nhiều lý giải được đưa ra, nhưng thực tế vẫn cho thấy một điều rằng, tình trạng trên đã và đang xảy ra, không phải nhỏ lẻ ở một vài bệnh viện, vài địa phương và xảy ra trên diện rộng cả nước.

Đi cùng với thực trạng trên, là thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thực trạng bệnh viện lớn xin thôi tự chủ. 

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội), rất nhiều người có chung nhận định rằng, "việc nhân viên y tế xin nghỉ việc tại các bệnh viện công, hay việc các bệnh viện lớn, có danh tiếng nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với các bệnh viện công lập".

Phải chăng, ông chỉ rõ tất cả những vấn đề bất cập nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là "cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện công khai thác, phát huy hết các tiềm năng, thế mạnh vốn có của mình".

Vậy nên, những vướng mắc trên cần có sự quan tâm, sớm tháo gỡ của Chính phủ và các bộ, ngành. Và quan trọng nhất, là đừng để đã 8 tháng trôi qua kể từ khi có những phản ánh đầu tiên về tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế mà đến nay tình trạng trên vẫn cứ diễn ra. 

Bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, bệnh nhân phải chịu đau đớn, người nhà phải tự đi mua thuốc về để điều trị… Như vậy đã tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân, làm giảm đi giá trị bảo hiểm y tế, chưa hoàn thành được nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân.

Người bệnh không thể nằm đợi thuốc, đợi chính sách. Vì phải nhớ một điều rằng: Sức khỏe, sinh mạng của người bệnh là trên hết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn