MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình minh họa.

Ai bảo vệ khi trẻ bị bạo hành?

LÊ PHI LONG LDO | 03/06/2022 12:50

Hôm qua (2.6) lại thêm một bé trai 18 tháng tuổi tử vong tại nhà trọ nghi bị bạo hành. Hiện Công an huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã tạm giữ mẹ ruột của bé và người cha dượng để điều tra làm rõ vụ việc.

Cháu bé trước đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng có nhiều vết chấn thương, máu tụ dưới da, bầm tím tái tay chân…

Nghi ngờ cháu bé bị tử vong do bạo hành, bố ruột cháu bé đã trình báo công an để điều tra. Trước đó, anh và vợ ly hôn, cháu bé sống cùng mẹ và người cha dượng.

Cũng mới đây thôi, Công an huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Hoàng Vũ (41 tuổi, ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên) về hành vi cố ý gây thương tích. 

Trước đó, Vũ đã nhiều lần bạo hành, gây thương tích đối với cháu H (là con riêng của vợ). Vũ đã dùng dao gây thương tích ở ngực phải, bả vai trái của cháu H. Vũ cũng đã 5 lần dùng điếu thuốc lá đang cháy châm vào nhiều vị trí trên cơ thể của cháu H. như vùng mặt, đùi, bẹn; ôm cháu H. quăng xuống nền xi măng…

Hay gần đây, vụ bé gái 3 tuổi ở xã Canh Nậu (huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị người tình của mẹ hành hạ bằng các thủ đoạn như cho uống thuốc trừ sâu, bắt nuốt đinh ốc vít, đánh gãy tay, đóng đinh vào đầu.

Còn đó là vụ bé gái 8 tuổi ở TP.HCM bị "dì ghẻ" hành hạ đến chết; vụ bé gái 6 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) bị bố đánh đập bằng đũa gỗ, chổi và que tre dẫn đến tử vong. 

Những hành vi ác độc trên liên tục xảy ra gần đây khiến chúng ta bàng hoàng, sửng sốt; dư luận xã hội bức xúc, lo lắng.

Theo Cục trẻ em (Bộ LĐTBXH), có đến 71% trẻ từ 1 đến 4 tuổi từng bị xử phạt bằng bạo lực; trung bình mỗi năm cả nước có hơn 2.000 trẻ bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được can thiệp. 

Riêng năm 2020, cả nước có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ em bị phát hiện, con số thực tế có thể còn lớn hơn nhiều lần do nhiều vụ chưa được phát hiện hoặc còn bị che giấu.

Các cơ quan chức năng luôn chỉ đạo và triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tối đa các vụ bạo hành trẻ em; dư luận xã hội cũng lên tiếng mạnh mẽ với các hành vi trên. Tuy nhiên, thực tế tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra với mức độ nghiêm trọng.

Trong 5 năm qua, số vụ xâm hại trẻ em liên tục tăng cao. 

Một vấn đề được đặt ra, là ai bảo vệ trẻ khi trẻ bị bạo hành? 

Đây là một câu hỏi rất là nhức nhối vì theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam, 68,4% trẻ em từng bị cha mẹ, người chăm sóc bạo lực tại nhà, xếp thứ 27/75 quốc gia. 

Vậy nên, câu chuyện những vụ việc bạo hành dã man trẻ em thời gian qua phải chăng bắt nguồn từ chính chúng ta - những người lớn, những người làm cha, làm mẹ, những người sống cùng con trẻ chỉ vì thiếu kiến thức về mặt pháp luật, thiếu kỹ năng sống để có thể điều chỉnh, điều hòa những cảm xúc rồi dồn nén lên đầu con trẻ, hoặc không bảo vệ được chính con mình?

Đây là một sự thật rất đau lòng.

Hãy giang tay bảo vệ trẻ; đừng để các cháu phải đau đớn gọi điện cầu cứu vì bị bạo hành, khi đó thì đã quá muộn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn