MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ tai nạn trường học mới đây: Cổng trường bị sập khiến 3 cháu bé tử vong thương tâm trong ngày đầu tiên vào năm học mớ tại Lào Cai. Ảnh: CTV

Ai trực tiếp đảm bảo an toàn, tránh tai nạn trường học?

Bảo Hân LDO | 12/09/2020 13:21

Liên tiếp những vụ tai nạn trường học: Sập cổng khiến 3 học sinh chết; rơi quạt trần khiến 1 học sinh bị thương… khiến nhiều người lo lắng.

Trường học là môi trường tương đối an toàn, tuy nhiên vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho các em học sinh – vốn rất hiếu động, như: Gãy cành cây, đổ cây, đổ tường, rơi vữa trên trần nhà, rơi quạt trần, hở điện…

Thực tế cho thấy đã có nhiều tai nạn xảy ra khiến nhiều em học sinh thương vong.

Ngoài 2 vụ việc kể trên, có thể kể đến vụ việc xảy ra vào tháng 6.2020 vữa trên trần nhà của trường Mầm non xã Nga Thái, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá rơi xuống trúng đầu 5 em, phải nhập viện.

Hay vụ việc đau lòng xảy ra vào cuối tháng 5.2020 tại Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) khiến 1 em học sinh tử vong…

Câu hỏi đặt ra là trong nhà trường, vị trí công việc nào đảm nhận trực tiếp công tác an toàn cho các em? Tất nhiên, hiệu trưởng chính là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi lĩnh vực tại trường; và các vị trí việc làm khác, nhất là giáo viên có thể sẽ phát hiện được những vấn đề mất an toàn để báo lên trên, kịp thời can thiệp.

Nhưng rõ ràng, hiệu trưởng là vị trí quản lý chung, toàn thể; hiệu trưởng, hay giáo viên rất khó có những kiến thức chuyên sâu về an toàn.

Vì vậy, nên chăng cần có một vị trí công việc trong các nhà trường để thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất an toàn; kịp thời phát hiện và sửa chữa, khắc phục hoặc kiến nghị sửa chữa, khắc phục những nơi, chỗ mất an toàn?

Theo Thông tư liên tịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, không thấy có vị trí nào đảm nhận công tác an toàn về cơ sở vật chất cho trường.

Cụ thể, nhóm vị trí việc làm gắn với nhiệm vụ hỗ trợ, phục vụ, gồm: Kế toán; văn thư; y tế; thủ quỹ.

Còn theo Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, ngoài nhóm vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp, còn có nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ. Tuy nhiên, các vị trí việc làm trong nhóm cuối cùng này không thấy nhắc đến vị trí công việc đảm bảo an toàn trong trường học.

Ví dụ, theo thông tư này, ở cấp tiểu học, nhóm vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ bao gồm: Thư viện, thiết bị; công nghệ thông tin; kế toán; thủ quỹ; văn thư; y tế; hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; giáo vụ (áp dụng đối với trường dành cho người khuyết tật). Tại các cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở cũng tương tự.

Trước những vụ việc đau lòng, không đáng có xảy ra với con em chúng ta thời gian qua ngay tại các trường học – nơi tưởng chừng rất an toàn – nên chăng cần có một vị trí việc làm trong các trường trực tiếp phụ trách những việc nhằm đảm bảo an toàn, phòng ngừa, kịp thời can thiệp trước những nguy cơ tai nạn thương tích cho học sinh?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn