MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Âm vang ngày Tết

ANH TUẤN - PHÚC ĐẠT LDO | 01/02/2022 15:00

Không khí ngày Tết hẳn trong mỗi chúng ta đều cảm nhận được, nhưng không thể lý giải thế nào cho tường minh về nó. Một âm thanh vui nhộn, hòa trong đó là một cảm giác sảng khoái, vui tươi đến lạ.

Khi những cơn mưa dai dẳng vào cuối đông đang dần nhường cho những đợt mưa phùn, cái lạnh cắt da đang đong đầy thôn xóm, thì mọi người nô nức chào đón Tết. Và khi những đài nụ tươi xanh của cây mai già đầu ngõ, điệp cùng màu rêu trươn trượt lan hết cả mặt sân nhà, lối ngõ nở hoa thì Tết đến. Xuân cũng vừa sang.

Hoa đào, hoa mai, lồng đèn, câu đối đỏ là những thứ dường như không thể thiếu trong những ngày Tết. Ảnh: PĐ

Cũng như các dân tộc khác trên trái đất, người Việt mỗi khi mùa Xuân tới lại vui chơi để “Tống cựu nghinh tân”, đón một mùa tươi đẹp huy hoàng. Với chúng ta, Tết không phải chỉ có nghĩa là bắt đầu một năm khác, nhưng đó có nghĩa là một thời kỳ mà vạn vật đều đổi mới: Thời gian, thiên nhiên, con người và ngay cả đến những vật vô tri nữa. Tất cả đều có vẻ đặc biệt khi mùa xuân tới, người thì nét mặt rạng rỡ hơn, đồ vật có vẻ mới mẻ để nghênh tiếp tân xuân.

Chữ Tết do chữ Tiết, thời tiết mà ra. Trong một năm có nhiều Tết, như Tết Đoan Ngọ (5.5 Âm lịch), Tết Trung Thu… và Tết Nguyên đán (có nghĩa buổi sáng đầu tiên) - là quan trọng hơn cả vì nó mở đầu cho một năm.

Trong thời gian Tết, gia đình đoàn tụ vui tươi đón một mùa xuân mới với những cành hoa mai, hoa đài, hoa thủy tiên, thi nhau đua nở, với những tặng vật, những cuộc vui, những cuộc đồng âm vô tận, những bữa cơm gia đình quây quần ăn uống. Tết còn là ngày mà sang, hèn từ thị thành đến chốn thôn quê đều vui vẻ, hoan hỉ.

Bánh chưng, bánh tét là những thứ không thể thiếu những ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam. Ảnh: PĐ

Hầu hết mọi công việc, những sự lo buồn, lộn xộn, nghỉ ngơi đều phải “thanh toán” ngay tất niên hay là tạm gác bỏ trong tuần lễ đầu của năm mới chỉ dành riêng cho sự vui chơi, hội hè và chúc tụng cổ truyền về phúc, lộc, thọ.

Tết Nguyên đán là dịp đoàn tụ gia đình. Những ai đi làm ăn nơi xa, ngày tết cũng bằng mọi cách trở về quê cũ đón xuân, ăn với gia đình bữa cơm đoàn viên đầy ấm cúng, xem như đã được trở về nguồn cội của mình. Những người mẹ già ở quê ngóng chờ tin con nơi xa. Chiều 30 tết mà không thấy con về thì quặn thắt tim can. Những đứa con tha hương, sáng xuân nơi đất khách, nhớ mái ấm gia đình, nhớ hình bóng của những người thân mà lòng bần thần, xao xuyến.

Khoảnh khắc Giao thừa, là thời khắc thiêng liêng khi trời đất giao cảm, muôn vật tạm thời ngưng đọng trong phút giây rồi bừng lên một sức sống mới với những sự tái sinh và đổi mới. Lúc này, mâm cỗ cúng Giao thừa (còn gọi là cúng Trừ tịch) được bày ra gồm các lễ vật: Con gà trống tơ, luộc chín, xếp chéo cánh, chè, bánh, mứt, rượu, trà…

Người ta kê cái bàn ở giữa sân để cúng Thổ công và ông Táo sắp từ trời trở về. Lễ vật dâng cúng có bánh, chè, bỏng ngô, muối gạo, bát cháo trắng, trà, rượu, hương, nến… Chủ nhà quỳ lạy trước bàn thờ, đồng thời lạy chư vị bốn phương nhằm cầu xin tổ tiên và Thổ công phù hộ cho con cháu năm mới làm ăn phát đạt.

Truyền thống gói bánh chưng, bánh tét được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ảnh: PĐ

Mười hai giờ đêm ba mươi đã điểm, báo hiệu lúc giao điểm giữa năm cũ và năm mới. Năm cũ sắp qua hẳn là giao lại tất cả, để năm mới đến ngay lập tức, “thừa” tiếp lấy tất cả. Chữ “thừa” ở đây có nghĩa là “kế thừa”, “tiếp nối”.

Giao thừa đánh dấu một bước ngoặt trong sự chuyển động của thời gian. Không những nó gợi ra ở mỗi con người một cảm xúc “canh tân” trong đời thường mà còn gợi ra một cảm xúc “canh tân” trong vũ trụ. Tư duy triết lý xưa coi con người là “tiểu vũ trụ”.

Ngày xưa, vào đêm Giao thừa, các cụ nhìn lên bầu trời xem “thiên tượng” (hình tượng của trời) để đoán “niên vận” (vận hội trong một năm). Nếu Giao thừa bầu trời chuyển từ màu sẫm sang màu sáng thì đó là hiệu của năm mới tốt lành.

Để đón mừng sự “canh tân” của đời người cũng như của trời đất, từ rất xa xưa, ông cha ta đã tạo nên trong giây phút thiêng liêng ấy những tiếng náo nức không những rung động lòng người mà dường như rung động cả đến trời đất.

Không chùa chiền, đền miếu nào không vang lên tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng khánh, tiếng chuông… Không nhà thờ Thiên chúa nào không vang lên một hồi chuông nguyện. Không gia đình nào không bắt đầu ríu rít tiếng reo mừng của trẻ thơ (rất tỉnh ngủ) và xen vào đó là tiếng chúc nhau của những người trong nhà.

 Những đứa trẻ háo hức thổi lửa, trông nồi bánh chưng dịp Tết. Ảnh: PĐ

Với ngày đầu tiên trong một năm hay Nguyên đán, Tết đã có một ý nghĩa đặc biệt, trang nghiêm. Vì ngày đó bắt đầu cho một năm nên mọi công việc làm trong khoảng 24 giờ đồng hồ ấy đều có ảnh hưởng trọn năm. Sự “xông đất”, “xuất hành”, những cử chỉ đầu tiên, những lời nói đầu năm là điểm mà ai cũng chú trọng. Trong tất cả mọi việc kể trên, có tục “đạp đất” được coi là quan trọng hơn hết.

Từ ngày mồng 1 Tết trở đi, những lời chúc khi gặp nhau là sức khỏe, hạnh phúc, an khang thịnh vượng… với những nụ cười luôn nở trên môi. Sự vui sướng hiện trên nét mặt mọi người, ai nấy cũng thấy rộn ràng vì tết. Những vị có tuổi trong ngày đầu năm ngồi trên chiếc ghế ngựa nhận lời chúc tụng của con cháu. Với người lớn thì tha hồ vui chơi, ăn uống, thăm viếng lẫn nhau. Với con trẻ thì dịp này cố học thuộc mấy câu chúc tụng để dùng “thu hoạch” nhiều phong bao lì xì.

Đó là những nét đẹp truyền thống không thể nào quên. Trước kia, Tết được coi trọng thể như thế nào, đã theo thời gian mà thay đổi; rồi biết đâu những thế hệ mai sau chẳng coi là những kỷ niệm êm đẹp của thời quá khứ. Nên chúng ta nêu ra đây những điểm huy hoàng của ngày Tết, phản ánh tâm hồn và nếp sống của dân tộc Việt, để mọi người hiểu rõ ý nghĩa cao cả của ngày quốc lễ, âu cũng là một việc làm hợp thời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn