MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công trình xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một người tử vong nhưng chủ đầu tư không báo cơ quan chức năng. Ảnh: Hồ Văn

An toàn lao động công trình xây dựng: Trông cậy vào “chủ”

THUỲ TRANG LDO | 27/05/2020 09:03
Mỗi năm, tai nạn lao động tại các công trình xây dựng ở Đà Nẵng khiến 3 đến 4 người tử vong. Con số trên là không nhiều đối với thành phố ngổn ngang nhiều công trình xây dựng, nhưng đó là vấn đề lớn vì là sinh mạng con người. Tuy nhiên công tác đảm bảo an toàn lao động vẫn còn buông lỏng.

Tai nạn công trình xây dựng rình rập

Ngày 27.5, Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng cho biết đã làm việc với chủ đầu tư công trình tổ hợp khách sạn Condo 2, đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng - nơi xảy ra vụ tai nạn lao động khiến nam công nhân D. (sinh năm 1981, ngụ phường Thuỷ Xuân, TP.Huế) khiến nạn nhân tử vong để làm rõ sai phạm.

Sự việc khiến gia đình nạn nhân bức xúc là do chủ đầu tư đã không báo cơ quan chức năng, thi thể người thân bị bỏ sau  cốp xe ô tô. Tai nạn lao động tại công trình xây dựng tương tự ở Đà Nẵng không phải đến nay mới có.

Thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Đà Nẵng, năm 2019 xảy ra khoảng 40 vụ tai nạn lao động khiến 3 người tử vong, trong đó đa số là tai nạn lao động tại các công trình xây dựng.

Năm 2018, Đà Nẵng có 13 người tử vong trong tai nạn lao động thì có 4 vụ tai nạn là trong xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng và nhà ở các loại.

Đáng báo động là tại Đà Nẵng hiện có hàng trăm công trình lớn nhỏ đang được triển khai, số lượng lao động lớn và nguy cơ tai nạn rình rập khắp nơi.

Trông cậy vào chủ đầu tư, chủ thầu

Anh Nguyễn T., kỹ sư giám sát công trình của một công ty xây dựng chia sẻ, vấn đề an toàn lao động không chỉ kiểm tra trên giấy tờ mà quan trọng nhất là sự giám sát, quan tâm của chủ đầu tư, chủ thầu trong quá trình làm việc.

 Thi thể anh D. được đưa ra từ cốp sau xe ô tô khiến người nhà bức xúc. Ảnh: Phúc Đạt

“Trong luật lao động đều có các quy định như mỗi tuần, chủ đầu tư hoặc chủ thầu – đơn vị được xác định có trách nhiệm trong công tác an toàn lao động phải tổ chức tập huấn cho người lao động một giờ đồng hồ. Mỗi ngày khi bắt đầu vào ca, các chủ thầu dù lớn hay nhỏ cũng phải dành 15 phút để nhắc nhở người lao động.

Tuy nhiên, với số lượng hàng nghìn lao động tại một công trình lớn, nếu dành thời gian tập huấn, các chủ thầu và chủ đầu tư sẽ mất hàng nghìn giờ lao động, công trình bị chậm trễ, chi phí tăng nên đã bỏ qua những công tác này” – anh T. chia sẻ.

Theo quy định, các đội thầu tuỳ vào số lượng phải có kỹ sư an toàn, có ban an toàn lao động để thực hiện kiểm tra các thiết bị trước khi người lao động làm việc. “Dù vậy nhưng có nơi để tiết kiệm chi phí, chủ thầu cho nhân viên kiêm nhiệm, chuyên môn của họ không cao hoặc gần như không có thì việc giám sát cũng không hiệu quả” – anh T. cho biết thêm.

Theo Sở LĐTBXH Đà Nẵng, thực tế hiện nay nhiều công trình xây dựng đang sử dụng người lao động theo ngày nhằm đáp ứng việc đẩy nhanh tiến độ các công trình, chưa qua đào tạo về an toàn lao động. Chính vì vậy, mỗi lao động khi bước vào công trình xây dựng luôn thấp thỏm lo lắng, bởi “không biết bao giờ tới lượt mình”.

Họ chỉ biết trông cậy vào chủ đầu tư, chủ thầu. Nếu sự quan tâm đủ thì tai nạn lao động sẽ được hạn chế mức tối đa. Nếu không, họ vẫn phải làm việc vì miếng cơm manh áo.

Đầu tháng 5 vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch về tổ chức triển khai tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với chủ đề "Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc".

Chỉ nửa tháng sau đó, sự việc nam công nhân D. khiến nhiều người bức xúc về việc chủ đầu tư khi không báo cơ quan chức năng, thi thể nạn nhân được chính các công nhân tự thu xếp, đặt ở phía sau xe ôtô chật hẹp để đưa về quê nhà. Với cách hành xử như vậy thì chẳng ai biết được sự an toàn cho người lao động được các ông chủ quan tâm đến đâu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn