MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Áp lực cuộc sống trước mắt khiến nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần

Chu Trang LDO | 29/03/2023 10:51

Sau khi nghỉ việc, nhiều người lao động cần một khoản tiền để trang trải cho cuộc sống, lấy vốn để kinh doanh, buôn bán, vì vậy họ chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần

Áp lực cuộc sống trước mắt khiến nhiều công nhân lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Trong ảnh: Công nhân thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân 

Đóng bảo hiểm xã hội được 1,5 năm tại một công ty trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, chị Nguyễn Thị Vui (31 tuổi, trú tại Hà Nội) quyết định xin nghỉ việc và nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần vì nghĩ “không biết bao giờ mới đến tuổi nghỉ hưu, cuộc sống hiện tại lại khó khăn”.

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Vui cho biết, sau khi nhận khoảng 20 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội một lần, chị quyết định chuyển về quê sống bằng nghề bán đồ ăn sáng. Buôn bán ế ẩm, nhiều tháng không có lãi, cửa hàng của chị Vui phải đóng cửa sau 6 tháng kinh doanh, số tiền đầu tư cũng không còn. Để có tiền trang trải cuộc sống, chị làm nhân viên bán hàng cho một shop quần áo với thu nhập 8 triệu đồng/tháng. 

Cùng hoàn cảnh, chị Nguyễn Thị Hương, trú tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) chia sẻ, trước đây, chị có 3 năm làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Nội Bài (Hà Nội). Lương thấp, chị xin nghỉ việc rồi tiếp tục làm công nhân cho một công ty lớn ở Thái Nguyên. Sau thời gian gắn bó ở cả hai công ty, đến nay, chị đã đóng bảo hiểm xã hội tổng cộng được 10 năm”.  

Gắn bó với công việc này 10 năm, mức lương ở thời điểm nghỉ việc chị Nguyễn Thị Hương nhận là khoảng 6 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập ấy, rất khó để chị chăm lo cho gia đình. Do đó, chị quyết định nghỉ việc và rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo chị Nguyễn Thị Hương, mặc dù biết việc nhận bảo hiểm xã hội một lần được coi là “lợi trước mắt, hại lâu dài”, nhưng áp lực cuộc sống trước mắt khiến chị chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần mà không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội để được nhận lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu. 

Chị Nguyễn Thị Hương giãi bày: “Tôi năm nay 36 tuổi, để đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mới nhận lương hưu thì rất lâu, trong khi tôi cần tiền để giải quyết những khó khăn trước mắt của gia đình. Hơn nữa, tôi không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội tiếp 10 năm nữa”.

Bên cạnh những người vì áp lực cuộc sống nên đành “bán lúa non” như chị Hương, chị Vui, còn có một bộ phận người lao động chưa thực sự nhận thức hết lợi ích của việc tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội. Có trường hợp nghe theo lời xúi giục, lo lắng chính sách sẽ thay đổi gây khó rút hoặc bị thiệt thòi hơn nên nhanh chóng tìm cách rút bảo hiểm xã hội một lần. 

Năm 2020, anh Nguyễn Tuấn Anh còn làm công nhân ở một công thuộc khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Sau đó 2 năm, anh Nguyễn Tuấn Anh quyết định nghỉ việc và rút bảo hiểm xã hội một lần.

Nói về lý do rút bảo hiểm xã hội một lần, anh Nguyễn Tuấn Anh tâm sự: “Mặc dù cuộc sống của gia đình tôi không mấy khó khăn, đủ ăn, đủ tiêu, nhưng vì bạn bè, đồng nghiệp rủ rútbảo hiểm xã hội một lần và tôi cũng sợ chính sách thay đổi nên cũng đi rút theo. Hiện nay, tôi khá lo lắng khi nghĩ đến sau này mình về già sẽ không có lương hưu để có thể tự lo cho cuộc sống của mình”. 

Cuộc sống của nhiều công nhân rất chật vật, khó khăn. Trong ảnh: Một phòng trọ chật chội, xuống cấp dành cho công nhân thuê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Bảo Hân 

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016-2021, có 4,06 triệu người lao động rút một lần trong khi đó có 4,2 triệu người tham gia mới bảo hiểm xã hội. Như vậy, tỉ lệ 1,048 người tham gia mới thì có 1 người rời khỏi hệ thống.

Bình quân mỗi năm gần 700.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần với số lượng năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trung bình khoảng 11,6%. Tổng kinh phí chi trả giai đoạn này là 131.940 tỷ đồng. Người rút phần lớn làm việc trong doanh nghiệp với gần 2,9 triệu (90,7%); tiếp đến là khu vực nhà nước 257 nghìn người (8%) và lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện 38.800 người (1,2%). 

Cũng theo thống kê, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tập trung đông nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm khoảng 40,4%). Nhóm từ 20 đến 30 tuổi chiếm 37,1%... Như vậy, người hưởng bảo hiểm xã hội một lần từ trên 20-40 tuổi chiếm 77,5% tổng số người rút (tương đương 3,1 triệu người lao động trong độ tuổi trên 20-40 tuổi đã rút bảo hiểm xã hội một lần trong 6 năm qua). 

Bên cạnh đó, tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của nam, nữ và tổng số thời gian đóng bảo hiểm xã hội bình quân đã có chiều hướng tăng lên hằng năm. Tuy nhiên, tuổi bình quân hưởng bảo hiểm xã hội một lần của cả nam và nữ là thấp. Từ số liệu phân tích trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, ở giai đoạn còn trẻ, hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Thêm nữa, do áp lực về tài chính và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc nên số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần bình quân còn trẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn