MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Metro Nhổn - ga Hà Nội đã đủ điều kiện vận hành thương mại. Ảnh: MRB

Bài học rút ra từ dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội "dài" 14 năm

Lê Thanh Phong LDO | 03/08/2024 11:40

Dự án metro Nhổn - ga Hà Nội được đưa vào khai thác thương mại, tin vui đến với người dân Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng kết luận, chấp thuận kết quả nghiệm thu có điều kiện và thống nhất đưa Đoạn tuyến trên cao Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành thương mại.

Dự án được tuyên bố vận hành sau 14 lần lỗi hẹn.

Nhưng vẫn chậm 6 ngày so với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, yêu cầu hoàn thiện các thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu công trình trước ngày 26.7.2024, bảo đảm đưa tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao vào khai thác thương mại trước ngày 28.7, nhất định không lùi tiến độ hoàn thành.

Người dân mong chờ có tuyến metro này để chọn làm phương tiện đi lại, an toàn và tiết kiệm, nhưng chờ mãi vẫn chỉ thấy những tấm rào chắn bao lấy các công trình. Còn đọc báo, chỉ là những dòng tin lỗi hẹn, trễ hẹn. Đến nay, người dân đã nghe được tin vui, chắc chắn không còn lùi được nữa.

Và từ dự án này, nhìn tới tương lai.

Theo "Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô", đến năm 2030, Hà Nội phấn đấu hoàn thành thi công xây dựng 96,8km đường sắt đô thị khổ đường đôi 1.435mm và thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư 301km, với sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 14,602 tỉ USD. Đến năm 2035, Hà Nội hoàn thành đầu tư xây dựng 301km đường sắt đô thị, khổ đường đôi 1.435mm.

Nghe qua rất đỗi vui mừng, nhưng xem lại hai dự án đường sắt trên cao Cát Linh- Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội, thấy sao mà mông lung quá, mơ mộng quá. Dự án Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, khởi công tháng 9.2010, đến nay sau 14 năm mới có tuyên bố chính thức đưa vào khai thác. Vậy trong 10 năm tới, làm được số km còn lại để đạt 301km đường sắt đô thị quả là thách thức.

Tương tự như TPHCM, có kế hoạch triển khai thực hiện nhiều dự án metro với tổng chiều dài 200km, thời gian hoàn thành là đến năm 2035. Nhưng nếu nhìn lại dự án metro số 1, chỉ 20km nhưng làm mất 13 năm kể từ ngày khởi công, thì với chiều dài còn lại gấp gần 10 lần metro số 1, liệu có làm nổi trong 10 năm.

Nói như vậy không có nghĩa là bất lực, mà phải rút kinh nghiệm để triển khai các dự án tiếp theo hiệu quả. Hiệu quả là đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, không đội vốn.

Chỉ có làm nhanh, đưa vào khai thác các dự án metro sớm mới có thể giảm áp lực ùn tắc giao thông cho hai đô thị lớn nhất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn