MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bài toán nhân lực “hậu COVID-19”: Thách thức và cơ hội của ĐBSCL

TH.S LÂM BÁ KHÁNH TOÀN (KHOA LUẬT, TRƯỜNG ĐH CẦN THƠ) LDO | 10/10/2021 16:00
Hơn hai thập kỷ qua, quá trình đô thị hóa đã dịch chuyển dòng lao động từ khu vực nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác. Sau đại dịch, nhiều giá trị sẽ được xác định lại. Nguồn nhân lực được bổ sung đáng kể từ một bộ phận người dân trở về từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương,... Thực trạng đó đặt các tỉnh, thành ở vùng ĐBSCL nếu như trước đây phải giải bài toán thiếu lao động thì thời gian tới lại là bài toán thiếu việc làm.

Vùng ĐBSCL hiện chủ yếu phát triển kinh tế dựa trên nền nông nghiệp, hệ thống giao thông vận tải còn nhiều hạn chế nên cần có những nghiên cứu bài bản để định hướng chiến lược các mũi nhọn đầu tư phát triển sau đại dịch:

Tái cơ cấu nguồn nhân lực

Cần xác định tái cơ cấu nguồn nhân lực là tiền đề quan trọng tái cơ cấu nền kinh tế, đảm bảo phát triển cân bằng với các vùng kinh tế cũng như giữa các địa phương trong vùng ĐBSCL. Đặc biệt, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch và giảm thiểu chi phí có liên quan cần cân đối sử dụng nguồn lao động cư trú địa phương, giảm thiểu thấp nhất việc người lao động phải “ly hương” như trước đây.

Người dân trở về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai. Ảnh: Tạ Quang 

Nguồn lao động có kinh nghiệm và tay nghề đã được tiêm ngừa đủ hai mũi vaccine cần đăng ký tại các trung tâm giới thiệu việc làm để được giới thiệu làm việc ngay tại nhà máy, công ty ở địa phương đang hoạt động.

Nhóm lao động có ngành nghề không còn phù hợp hoặc chưa qua đào tạo sẽ tiến hành đào tạo tại các trung tâm dạy nghề, cần gắn với nhu cầu của các công ty có dự kiến mở rộng sản xuất sau dịch. Nguồn lao động trẻ có nhu cầu có thể định hướng đào tạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động hợp pháp ở các thị trường quen thuộc.

Nhóm lao động còn lại cần gắn với hoạt động sản xuất tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tăng cường chuyển giao các nghiên cứu cải tiến khoa học trong nông nghiệp, thủy sản của các trung tâm viện nghiên cứu và trường đại học lớn tại khu vực. Đào tạo sử dụng các trang thiết bị, máy móc vào nông nghiệp, cơ giới hóa nền sản xuất. Xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, đạt chất lượng xuất khẩu với các hợp tác xã kiểu mới. Giúp người nông dân thật sự gắn bó, sống được và sống tốt với ruộng đồng của mình.

Nâng cấp hệ thống giao thông, xây dựng trung tâm vận tải của vùng

Chính phủ cần bố trí nguồn vốn trung hạn để tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải phục vụ phát triển kinh tế của vùng. Dù có lợi thế nguồn hàng hóa nông sản lớn nhất nước nhưng chi phí vận chuyển quá cao đã tác động lớn đến giá thành sản phẩm cũng như lợi nhuận của nông dân miền Tây. Bên cạnh hệ thống đường bộ hiện hữu được thiết kế thành các trục chính, vùng cần chú ý củng cố và nâng cấp hệ thống cảng biển cũng như ngành vận tải hàng không.

Chú trọng xây dựng các trung tâm vận tải đặt ở trung tâm và các hệ thống vệ tinh phục vụ cho toàn vùng. Trung tâm vận tải vùng cần phải đảm bảo được hệ thống giao thông cảng và hàng không. Đây là hai phương thức vận tải phổ biến để tiến hành xuất khẩu các hàng hóa có giá trị kinh tế cao cũng như các hàng hóa nông thổ sản phổ thông. Quá trình này sẽ giảm dần sự phụ thuộc của nông sản vùng ĐBSCL vào trung tâm vận tải quốc tế ở TP Hồ Chí Minh như hiện nay.

Đẩy mạnh xây dựng nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp hiện đại

Một định hướng lâu dài đối với vùng ĐBSCL là xây dựng một nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp hiện đại.

Cần đẩy mạnh hoạt động chuyển giao các nghiên cứu cải tiến khoa học trong nông nghiệp, thủy sản để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Mạnh dạn tiến hành việc tập trung đất đai, mô hình "Cánh đồng mẫu lớn" ở các địa phương để tăng năng suất, lợi nhuận, đặc biệt là áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trên quy mô lớn như quy trình GAP, thúc đẩy cơ giới hóa và bảo vệ môi trường đặt trong xu hướng thích ứng biến đổi khí hậu.

 Một định hướng lâu dài đối với vùng ĐBSCL là xây dựng một nền công nghiệp phục vụ nông nghiệp hiện đại. Ảnh: T.Lưu

Từ đó có hoạch định chiến lược để thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn đầu tư đảm bảo nguồn tiêu thụ nông sản ngay tại khu vực, tạo một chuỗi giá trị sản xuất mang lại giá trị cao hơn từ các sản phẩm nông nghiệp. Chính quyền cần hỗ trợ các doanh nghiệp đang tìm hiểu và thâm nhập các thị trường khó tính, tạo mối liên kết với các đối tác nước ngoài tại các thị trường đã có chuyến bay thẳng, vận chuyển thuận tiện, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tại trung tâm vận tải của khu vực.

Tập trung chú ý phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp hiện đại, từng bước cơ giới hóa nền nông nghiệp của vùng phù hợp với yêu cầu phát triển của thế giới gắn liền việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, các gói hỗ trợ khó khăn, các gói phục hồi, các gói kích thích nền kinh tế đang được Quốc hội và Chính phủ soạn thảo cần chú ý đến các doanh nghiệp mạnh đang có thị trường xuất khẩu để sớm ổn định phát triển sản xuất, vươn lên thành những cánh chim đầu đàn của vùng ĐBSCL. Cần bố trí một nguồn vốn vay để các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng hiện đại và bền vững.

Với lợi thế là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo, ĐBSCL đang đứng trước một thách thức và cũng là cơ hội lớn để có thể vươn mình phát triển từ chính vùng đất mang nặng phù sa từ bao đời nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn