MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC. Ảnh FLC

Bán “chui” cổ phiếu: Mức phạt như thế nào mới đủ sức răn đe?

Thế Lâm LDO | 12/01/2022 06:38

Vụ bán “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Chủ tịch tập đoàn này đã gây ra dư luận bất bình trên thị trường chứng khoán trong suốt 2 ngày qua. Chiều tối ngày 11.1, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) cuối cùng cũng đã đưa ra quyết định hủy vụ bán “chui” cổ phiếu trên.

Trước khi HoSE đưa ra quyết định hủy giao dịch “chui” 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10.1.2022 của ông Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết theo chỉ đạo của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tại công văn số 198/UBCK-TT ngày 11.1, dư luận đã bày tỏ sự bất bình cao độ về thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu mà không báo cáo, không công bố thông tin trước theo quy định này.

Và cũng trước khi có quyết định hủy này, các phân tích từ giới chuyên môn đưa ra, nếu chiếu theo các quy định xử phạt tiền theo quy định hiện hành đối với hành vi giao dịch không công bố thông tin trước, ông Trịnh Văn Quyết chỉ bị phạt tối đa 1,5 tỉ đồng.

Trong khi đó ngược lại, rất nhiều nhà đầu tư vì ôm cổ phiếu FLC trong những ngày qua, bất ngờ vì bị tác động bởi thương vụ bán “chui” gần 75 triệu cổ phiếu FLC của ông Quyết, khiến giá mã cổ phiếu FLC giảm mạnh trong 2 phiên ngày 10-11.1 có thể lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng.

Chính vì thế, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã có kiến nghị 3 điểm, thứ nhất đề nghị phong tỏa ngay tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết; thứ hai là cơ quan quản lý buộc ông Quyết phải mua ngay lại toàn bộ 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà ông này đã bán trong phiên giao dịch hôm 10.1; thứ ba là toàn bộ số tiền chênh lệch ông Quyết thu được sau khi giao dịch số lượng cổ phiếu trên sẽ phải bị tịch thu để sung vào ngân sách nhà nước.

Quyết định hủy thương vụ giao dịch 74,8 triệu cổ phiếu của ông Chủ tịch FLC cũng đã giúp xoa dịu được phần nào sự bức xúc trong dư luận. Đây cũng là một quyết định vô tiền khoáng hậu, lần đầu tiên hủy một vụ giao dịch cổ phiếu với khối lượng rất lớn do không tuân thủ quy định luật hiện hành.

Sự kiên quyết này là cần thiết nhưng chưa đủ. Hơn thế nữa, cần thêm các chế tài mạnh mẽ hơn, đồng bộ hơn và nghiêm khắt hơn mới tạo được sức răn đe rộng rãi trên thị trường.

Thậm chí, dư luận cho rằng không chỉ khóa tài khoản hiện hành của đối tượng vi phạm, mà còn có thể đưa ra lệnh cấm giao dịch trong một thời gian nhất định.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có thể tiến hành điều tra về mặt hình sự nếu có dấu hiệu cố tình thao túng, lách quy định để trục lợi nhưng gây bất ổn đến sự phát triển lành mạnh của thị trường chứng khoán nước nhà và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Trên thực tế, ông Trịnh Văn Quyết với thương vụ bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC không công bố thông tin trước theo quy định, không phải là trường hợp bán “chui” đầu tiên. Những trường hợp trước đây, tối đa cũng chỉ bị phạt vài chục triệu đồng, chẳng thấm tháp vào đâu so với sự giàu có của những người được gọi là “cá mập”, “đại gia”…

Chẳng qua, vụ ông Quyết bán ra cổ phiếu FLC với khối lượng lớn, trong một phiên diễn biến thị trường đảo chiều bất ngờ khiến biên độ dao động với tỉ lệ 2 con số (đầu phiên giá cổ phiếu FLC leo đỉnh nhưng sau đó không lâu rơi gần chạm đáy), theo đó sự thiệt hại của nhà đầu tư cũng lớn hơn so với những phiên bình thường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn