MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng loạt phương tiện vi phạm phơi mưa nắng ở bãi trông giữ xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long. Ảnh: Hữu Chánh

Bạn đọc đề xuất hướng xử lý xe vi phạm bị tạm giữ, tránh lãng phí tài sản

HỮU CHÁNH LDO | 10/04/2023 17:10

Trước thực trạng hàng loạt phương tiện vi phạm hư hỏng, chất đống dưới nắng mưa nhưng không có người đến nhận lại, bạn đọc đã đề xuất hướng xử lý, tránh gây lãng phí tài sản.

Lãng phí tài sản

"Quá lãng phí" là ý kiến chung của nhiều bạn đọc Báo Lao Động trước tình trạng hàng nghìn xe vi phạm phơi mưa nắng ở các bãi trông giữ xe, khi những phương tiện này bị cơ quan chức năng tạm giữ. 

Theo bạn đọc Nguyễn Bích, các phương tiện là tài sản của người dân, đối với nhiều người thì đó là phương tiện để kiếm sống.

"Nhìn những tài sản của người dân bị phơi nắng mưa tàn tạ hỏng hóc mà xót xa. Người dân không có phương tiện đi lại, làm ăn, tài sản thì chất đống hỏng hóc.

Một đống tiền của người vi phạm bị giam giữ, phơi nắng phơi sương ngoài trời để rồi hư hỏng, biến thành đống sắt vụn là không thể chấp nhận được" - bạn đọc Nguyễn Bích bày tỏ.

Cũng xót xa trước những bãi xe phơi mưa phơi nắng, bạn đọc Nam Đồng cho rằng - đơn vị trông giữ xe vi phạm phải có trách nhiệm bảo quản, không để làm hư hỏng tài sản công dân.

“Cần bổ sung nguồn ngân sách để sửa chữa cải tạo các kho bãi và mua sắm trang thiết bị đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ... tránh tình trạng khi vào xe lành lặn, khi ra là xe nát bét" - bạn đọc Nam Đồng bình luận.

Xe máy hỏng hóc, xếp chồng lên nhau. Ảnh: Hữu Chánh

Cùng quan điểm, bạn đọc An cho biết, tính riêng tại Hà Nội và TPHCM có cả trăm nghìn phương tiện vi phạm, số xe này quy ra tiền ban đầu quả là một con số không hề nhỏ. 

“Cơ quan chức năng cần cấp bách có biện pháp để giải quyết  ngay vấn đề này, nhằm tránh lãng phí của cải người dân cũng như ngân sách nhà nước" - bạn đọc An bày tỏ.

Cũng theo bạn đọc này, quy chế do chính chúng ta đặt ra, nhưng lại chính chúng ta bị vướng mắc bởi các quy chế đó.

Xe vi phạm nhiều không có chỗ để, trong khi khâu giải quyết đầu ra lại vướng mắc dẫn đến việc dân bỏ xe vi phạm để mua xe mới. Trong khi nhà nước bỏ tiền ra thuê đất gửi xe, thuê người trông coi gây lãng phí.

Đề xuất hướng giải quyết

Việc xử lý xe vi phạm bằng cách nào để tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời tiết kiệm công sức, tiền bạc... được nhiều bạn đọc quan tâm và đưa ra nhiều giải pháp để tránh thất thoát, lãng phí.

Theo bạn đọc Nguyễn Nam, phần lớn các phương tiện có giá trị thấp nhưng bị phạt ở mức cao nên các chủ xe đã bỏ phương tiện, không đóng phạt.

"Nếu chủ xe không đến lấy thì nên thanh lý. Chứ lưu kho bãi vừa tốn diện tích, vừa phải thuê người quản lý, chưa kể nguy cơ cháy nổ mất an toàn. Tiền phạt thì không thu được, xe thì chất đống gây hư hỏng, lãng phí quá mức" - bạn đọc Nguyễn Nam viết.

Bạn đọc Nguyễn Ly đề xuất, vướng quy định thì thay đổi quy định, chứ không thể có chuyện chủ xe chây ỳ không hợp tác xử lý vi phạm và bỏ xe rồi sau này đến đòi xe phải còn trong tình trạng "y như cũ".

"Quy định rõ ràng thời hạn đến xử lý là xong, sau thời hạn này cơ quan chức năng sẽ không còn chịu trách nhiệm về tình trạng của xe và xe tự động được tiêu hủy hay sung công quỹ” - bạn đọc Nguyễn Ly bình luận.

Hàng loạt phương tiện phơi mưa nắng, không có người đến nhận. Ảnh: Hữu Chánh

Còn theo bạn đọc Minh Anh, chiếc xe không có lỗi, mà lỗi do con người.

Do đó, chỉ nên tạm giữ đối với các xe không có giấy tờ hoặc không đủ điều kiện lưu hành. Các xe khác thì chỉ phạt hành chính, nếu người điều khiển không chấp hành thì tạm giữ giấy phép lái xe là được.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng phải tăng nặng biện pháp xử phạt bằng cách gửi thông báo xử phạt về địa phương, cơ quan của người vi phạm.

"Nếu không có người đến nộp phạt nhận xe thì nhanh chóng thanh lý nộp ngân sách, thậm chí cả xe ôtô cũng vậy. Chứ cứ để cho tài sản hư hỏng lại càng hoang phí" - bạn đọc Minh Anh nêu quan điểm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn