MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xử phạt hành chính đối với hành vi hành hạ, đánh đập động vật như chó, mèo, vật nuôi... Ảnh: Đinh Hoa.

Bạn đọc đồng tình với việc xử phạt hành vi hành hạ vật nuôi

PHƯƠNG HẠNH LDO | 30/03/2021 18:51

Từ tháng 4.2021, việc hành hạ, đánh đập động vật như chó, mèo... là hành vi vi phạm nguyên tắc đối xử nhân đạo với vật nuôi có thể bị xử phạt đến 5.000.000 đồng.

Cụ thể, khoản 1 Điều 29 của Nghị định 14/2021/NĐ-CP nêu rõ:

Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

Cũng theo Điều 29 của Nghị định này về hoạt động chăn nuôi, đối xử nhân đạo với vật nuôi, kiểm soát giết mổ động vật trên cạn, quy định phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi vi phạm sau đây: không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ; đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ; không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Đáng chú ý là phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi. Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Như vậy, mức xử phạt cao nhất đối với hành vi đánh đập vật nuôi là 5.000.000 đồng đối với cơ sở giết mổ và 3.000.000 đồng đối với cá nhân.

Ngoài ra, Nghị định 14 cũng quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh.

Ngoài phạt tiền, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm.

Ngay sau khi nghị định này được ban hành, nhiều bạn đọc tỏ rất vui mừng. Chị Nguyễn Quế Chi (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Mỗi lần ra đường chứng kiến cảnh người ta đánh đập chó mèo dã man mà tôi cảm thấy rất đáng sợ. Nghĩ cảnh thú cưng trong nhà được coi như một thành viên mà bị như vậy tôi không chịu nổi".

Hay anh Nguyễn Mạnh Toàn (Hoàng Mai, Hà Nội) đã nuôi mèo nhiều năm. Anh coi vật nuôi như một thành viên trong gia đình. Chứng kiến cảnh nhiều người hành hạ vật nuôi, đã nhiều lần anh can ngăn nhưng đều bất lực. Anh nói: "Rất may đã có nghị định xử phạt. Cứ quy vào hành chính là không dám ngay".

Trước đó, đã có không ít vụ việc vật nuôi bị bạo hành và đối xử tàn nhẫn bởi những "lỗ hổng" trong quy định của pháp luật về việc bảo vệ vật nuôi.

Đơn cử, vào ngày 18.6.2018, một người Nga ở TP Nha Trang (Khánh Hòa) chứng kiến cảnh con chó bị ném từ tầng 24 của khách sạn xuống đất đã rất bức xúc, đăng tải thông tin lên mạng xã hội. Vụ việc này khiến rất nhiều người trong cộng đồng yêu động vật phẫn nộ.

Trong khi, tại thời điểm đó, Việt Nam chỉ có các luật bảo vệ động vật hoang dã mà chưa có quy định, luật bảo vệ các loài động vật nói chung và vật nuôi nói riêng.

Vì vậy, Nghị định 14/2021/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 20/4/2021 là tin đáng mừng nhất là đối với cộng đồng những người yêu động vật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn