MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một trường hợp sử dụng rượu bia trên đường Trung Kính (Hà Nội) vẫn lái xe. Ảnh: Tùng Giang.

Bạn đọc ủng hộ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia: Có luật mới, sẽ dễ "kiếu" rượu

Tùng Giang LDO | 02/01/2020 19:31
Từ ngày 1.1.2020, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực - nhiều bạn đọc bày tỏ sự lạc quan, đồng tình hưởng ứng với quy định của luật mới.

Theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa có hiệu lực, lái xe sử dụng rượu, bia có thể bị tước bằng lái 2 năm và bị xử phạt lên đến 40 triệu đồng.

Bình luận về vấn đề này, bạn đọc Khánh Hòa cho biết: “Tôi làm việc ở nước ngoài đã 30 năm, cũng từng đó thời gian dừng uống bia, rượu. Nhưng gần 2 năm trở về nước nghỉ hưu, đến gặp bạn bè lại được mời uống. Họp lớp, tiệc cưới, tất niên khi nào cũng được mời bia, rượu. Mỗi khi có bạn cùng niên khóa từ xa về họp mặt cũng phải có bia, rượu. Từ chối nhiều thì bị coi là kém hòa đồng hay không nể bạn bè, kiểu cách... Giờ có luật mới này sẽ dễ dàng từ chối hơn”.

Đồng quan điểm trên, bạn đọc Nguyễn Minh chia sẻ: “Tôi hoàn toàn ủng hộ luật này. Thực tế, tài xế khi điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông chủ yếu do có sử dụng chất kích thích như: Ma túy hay rượu, bia. Luật được áp dụng sẽ giảm thiểu tai nạn, giảm đau thương, mất mát cho mỗi gia đình. Theo đó, ai đã có ý định uống rượu, bia nên sử dụng phương tiện công cộng như xe buýt, taxi, xe công nghệ là giải pháp phù hợp”.

Đóng góp thêm ý kiến, bạn đọc Anh Vũ cho hay, ngoài việc phòng chống và hạn chế tác hại của rượu, bia, người dân nên tạo ra các thói quen giải trí khác. Vì trong cuộc sống, ngoài lao động ra, con người cần có các nhu cầu thư giãn, giải trí phù hợp để tái tạo sức lao động.

Mặt khác, bạn đọc Trần Văn cho rằng: “Cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là rất tốt. Nhưng nếu hạn chế được việc sản xuất, mua bán rượu bia thì áp dụng luật càng hiệu quả. Vì rượu, bia cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông. Mặt khác, xử phạt hành chính và tước bằng lái 2 năm là điều cần làm kiên quyết, lâu dài. Ban đầu có thể gây khó chịu cho một số người, nhưng rồi sẽ quen dần vì giống như quy định đội mũ bảo hiểm. Ai không có tiền nộp phạt thì quy định lao động công ích để tạo sức răn đe”.

Bên cạnh đó, bạn đọc Minh Quyền bày tỏ sự băn khoăn: “Mình hoàn toàn ủng hộ luật mới này. Tuy nhiên, nếu người điều khiển phương tiện cá nhân có nồng độ cồn trong hơi thở do ăn trái cây sẽ dẫn đến bất cập trong việc xử phạt. Vì đã có thí nghiệm thực nghiệm khi ăn hoa quả lên men cũng tạo ra nồng độ cồn trong hơi thở”.

Cùng quan điểm trên, bạn đọc Trần Nam cho hay: “Luật này mình rất ủng hộ. Nhưng nếu ăn một số loại trái cây có thể dính nồng độ cồn thì mọi người cũng nên hạn chế khi phải điều khiển phương tham gia giao thông”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn