MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bánh mì không phải thực phẩm, xe máy không phải phương tiện đi làm?

Bảo Hân LDO | 20/07/2021 09:34

“Bánh mì không phải thực phẩm” tại Khánh Hoà và không cho đi làm bằng xe gắn máy tại Bà Rịa - Vũng Tàu có lẽ là 2 câu chuyện đang gây chú ý nhiều nhất trong dư luận xã hội.

Ngày 19.7, mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn video ghi lại hình ảnh Tổ công tác của phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đi tuần tra, kiểm soát việc chấp hành Chỉ thị 16. Theo đó, khi bị Tổ công tác chặn xe lại, một công nhân tên là T.V.E đã giải thích chưa nắm rõ quy định xử lý về việc thực hiện Chỉ thị 16. Người này cho rằng đi mua đồ ăn là lý do chính đáng, không được giữ giấy tờ. Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch phường (thuộc Tổ công tác) vẫn cương quyết cho rằng, bánh mì không phải lương thực, thực phẩm, không phải thiết yếu, mà là… đồ ăn.

Điều đặt ra từ câu chuyện này là cách diễn giải và cách hành xử của những nhân viên thừa hành nhiệm vụ.

Cách diễn giải của vị Phó Chủ tịch phường này khiến nhiều người lắc đầu, không hiểu nổi một người có chức vị mà phát ngôn như vậy. Thái độ của người thừa hành công vụ này bị nhiều người phản đối.

Thực tế, thời gian vừa qua, nhiều câu chuyện được đưa lên mạng xã hội về cách diễn giải về “thiết yếu”. Gần đây là câu chuyện về cô gái đưa mèo đi chữa bệnh. Nếu từ góc nhìn của cô gái, thì đây là nhu cầu rất thiết yếu; nhưng nhân viên trong câu chuyện trên lại không cho rằng như vậy.

Với rất nhiều nhân viên công quyền đang tham gia trực tiếp phòng, chống dịch, rất dễ có nhiều cách diễn giải khác nhau, tuỳ theo hiểu biết, nền tảng văn hoá, hay thậm chí cả chủ đích cá nhân… của mỗi người.

Vì vậy, ý kiến cho rằng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn, rõ ràng hơn hoặc ít nhất một danh sách những mặt hàng được cho là thiết yếu, cần thiết là rất… cần thiết.

Còn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, câu chuyện nhiều địa phương ở tỉnh này không cho người dân đi làm bằng xe máy cũng gây xôn xao dư luận.

Cũng như bánh mì, xe máy là vật dụng rất quen thuộc đối với cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn của nhiều công nhân. Những bữa ăn vội vàng với chiếc bánh mì bên ngoài công trường để kịp vào ca; những chiếc xe máy cà tàng để đi đến nơi làm việc là những hình ảnh rất quen thuộc, thường gặp của đời sống công nhân.

Có ý kiến cho rằng, việc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công văn yêu cầu các doanh nghiệp phải tổ chức xe đưa đón công nhân, nhân viên đi làm hằng ngày (điều này đồng nghĩa không cho phép người đi làm bằng xe hai bánh hay đi bộ) là một quy định không hợp lý. Việc đưa đón công nhân bằng ôtô có lẽ còn có nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhiều so với đi xe máy. Môi trường kín, đông người trong ôtô dĩ nhiên là môi trường dễ lây hơn so với đi xe máy ở ngoài không gian mở với chỉ 1 hoặc 2 người chở nhau.

Không chỉ vậy, đâu phải doanh nghiệp nào cũng có thể bố trí đưa đón cho toàn bộ công nhân đi làm bằng ôtô. Thực tế là, báo chí đưa tin, đã có nhiều doanh nghiệp tại tỉnh này phải đóng cửa vì quy định trên. Tương tự, đâu phải công nhân nào cũng có điều kiện để đi bằng ôtô. Nguy cơ lây nhiễm thấp, thuận tiện cho công nhân, đáp ứng được mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, vì sao lại không cho đi làm bằng xe máy?

Người dân, nhất là những người lao động, bình thường còn nhiều thiếu thốn, dễ bị tổn thương, huống hồ trong thời gian dịch bệnh này. Người dân rất mong những cán bộ khi diễn giải, áp dụng các quy định, hay đưa ra các quyết định, bên cạnh đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch thì cần phải đề cao sự hợp lý, và cao hơn là tính nhân văn, nhìn được tổng thể bức tranh chung, đảm bảo tính nghiêm minh, nhưng đồng thời, cũng trăn trở về những thân phận người trong đó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn