MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều người đã mất kiểm soát sau khi va chạm giao thông. Ảnh minh họa: LDO

Báo động tình trạng mất kiểm soát khi va chạm giao thông

Minh Hạnh LDO | 07/03/2024 07:59

Thời gian gần đây, rất nhiều vụ va chạm khi tham gia giao thông chỉ ở mức nhẹ, có thể bắt tay cùng giảng hòa, nhưng một số người đã không kiểm soát được bức xúc, giận dữ dẫn đến cãi vã, thậm chí đánh nhau khiến vụ việc phải xử lý hình sự...

Va chạm nhỏ, xung đột lớn

Khi xảy ra va chạm giao thông, tranh chấp hoặc không thỏa mãn được nhu cầu, nhiều người đã không kiểm soát được cảm xúc, dùng tay chân hoặc hung khí đánh nhau nhằm giải tỏa bức xúc, giận dữ.

Gần đây nhất, ngày 5.3, một xế taxi G7 đã bị 2 người đi xe máy hành hung dã man tại phố Tô Ngọc Vân (Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) dẫn đến chấn thương sọ não nặng và qua đời.

Trước đó, vào khoảng 22h25 ngày 3.3.2024, tại khu vực ngã tư Lò Đúc - Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) do va chạm giao thông, 18 đối tượng thuộc 2 nhóm thanh niên đã cự cãi, đuổi đánh nhau qua một số tuyến phố. Điều đáng nói, các đối tượng đều có độ tuổi còn rất trẻ từ 15 đến 19 tuổi.

Theo khoa học pháp lý, người thực hiện hành vi có tính chất côn đồ là người hung hăng, hay gây sự; vì bất cứ lý do gì hay không vì lý do gì đều sẵn sàng sử dụng vũ lực tấn công người khác mà không cần hòa giải hay dùng lý lẽ phân tích phải trái.

Nhóm đối tượng đánh nhau sau va chạm giao thông tối 3.3.2024 tại Hà Nội. Ảnh: CA cung cấp

Trao đổi với PV Báo Lao Động, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, nhiều người có hành vi nổi nóng đến từ áp lực cuộc sống hoặc lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, ma túy... Do đó, nhiều người trở nên mất kiểm soát trước những điều xảy đến từ những sinh hoạt thường nhật, các mối quan hệ cho đến công việc, môi trường kinh doanh, mua bán.

Nhiều người vì hiếu thắng, muốn chứng tỏ bản thân trước bạn bè đã gây thương tích cho người khác. "Để rồi, hậu quả không chỉ xảy đến với người bị hại mà ngay bản thân, gia đình của chính họ cũng vướng vòng lao lý; đồng thời phải gánh chịu thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần", ông Trịnh Hòa Bình nói.

Cố tình gây thương tích cho người khác sẽ bị xử lý hình sự

Theo luật sư Vũ Văn Toàn - Công ty Luật TNHH Tản Viên Sơn, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hành vi đánh nhau hiện nay được xem là một trong những hành vi gây mất trật tự công cộng. Thông thường, khi đánh nhau thì tuỳ vào mức độ tính chất của hành vi vi phạm mà người đánh nhau có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khi người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng có các tình tiết được quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (trong đó có tính chất côn đồ) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Mức phạt tối đa đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo các chuyên gia, để ngăn ngừa thói côn đồ trong ứng xử sau va chạm giao thông, trước hết mỗi người cần chấp hành pháp luật về giao thông; nhất là đi đúng làn đường quy định; đúng tốc độ cho phép; không lái xe khi đã sử dụng rượu, bia... Khi xảy ra va chạm hoặc tai nạn giao thông cần có thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, chấp hành mọi quy định xử phạt khi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông.

“Khi bị người khác xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, thân thể, điều đầu tiên chúng ta nên cố gắng thoát khỏi đó, tìm kiếm sự giúp đỡ gần nhất từ những người xung quanh và nhanh chóng gọi điện tới số 113 để được lực lượng cảnh sát hỗ trợ, giúp đỡ”, luật sư Toàn khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn