MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bên cạnh học phí, chi phí tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên cũng được nhiều phụ huynh quan tâm và lo lắng. Ảnh minh hoạ: Hà Anh

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên tăng khiến phụ huynh không khỏi lo lắng

Mạnh Cường LDO | 29/07/2023 13:40

Bên cạnh học phí, chi phí tham gia bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên cũng được nhiều phụ huynh quan tâm và lo lắng. Bởi năm học mới này, chi phí tham gia bảo hiểm y tế của các em chính thức tăng lên khi lương cơ sở tăng từ ngày 1.7.

Chị Nguyễn Thị Mơ (36 tuổi) - công nhân May tại Nam Định  -cho biết, tham gia bảo hiểm y tế cho các con là cần thiết, chị hoàn toàn ủng hộ. Nhưng mức đóng cao hơn khiến gia đình chị khó xoay xở đầu năm học. Hiện tại, hai con nhà chị đang học lớp 8 và lớp 9, đều tham gia bảo hiểm y tế tại nhà trường.

“Cứ đầu năm học lại là một lần 'xót' ví. Các khoản từ học phí cho đến bảo hiểm, đóng góp tiền mua sắm thiết bị, sách vở… Năm ngoái, mỗi đứa nhà tôi đóng một khoản hơn 5 triệu đồng/kỳ học. Tham gia bảo hiểm y tế cho các con là cần thiết nhưng khi bị bệnh nhẹ, tôi cũng ít khi cho các con vào viện. Tăng phí bảo hiểm, bản thân tôi thấy khá xót và lãng phí” - chị Mơ cho hay.

Chị Nguyễn Thị Mơ mong muốn chi phí tham gia bảo hiểm y tế học sinh không bị phụ thuộc bởi lương cơ sở. Ảnh: NVCC

Theo chị Mơ, năm nay, bảo hiểm y tế tăng hơn 200.000 đồng cho mỗi con, dù số tiền không đáng kể nhưng khi cộng các khoản khác vào đóng một lần cũng khiến gia đình khó xoay xở.

Thu nhập bấp bênh từ việc làm nghề tự do nên anh Nguyễn Huy Du (46 tuổi, Nam Định) cũng cảm thấy lo lắng khi chi phí bảo hiểm y tế học sinh tăng lên, năm học mới đang đến gần. Được biết, anh Du, vợ, 2 con đang học lớp 7 và lớp 9 cùng mẹ già đều sống phụ thuộc vào tổng thu nhập từ 10 - 12 triệu đồng/tháng của hai vợ chồng.

"Mỗi khi đến đầu năm học, vợ chồng tôi lại trằn trọc khó ngủ. Nào là tiền sách giáo khoa, tiền học phí, tiền quỹ lớp, tiền đồng phục, giờ lại tăng phí bảo hiểm y tế. Tiền ăn uống hàng ngày, 5 người mỗi tháng đạm bạc cũng 4 triệu đồng. Có lẽ tháng tới tôi phải đi vay mượn rồi tiết kiệm trả sau” - anh Du nói.

Khi phóng viên chia sẻ hiện tại mức đóng bảo hiểm y tế học sinh đang được Nhà nước hỗ trợ, chị Mơ nói bản thân biết nhưng mức hỗ trợ này vẫn chưa nhiều. “Hỗ trợ nhưng tăng phí bảo hiểm y tế theo lương cơ sở thì cũng không còn là hỗ trợ nữa” - chị Mơ cho hay.

Do đó, chị Mơ đề xuất nên tách hẳn mức đóng và quyền lợi của bảo hiểm y tế ra khỏi mức lương cơ sở để không bị phụ thuộc.

“Lương cơ bản của công nhân ở mức không cao, công việc hiện nay không nhiều, thu nhập giảm sút trong khi lương cơ sở điều chỉnh thường xuyên khiến bảo hiểm y tế tăng theo quả thật không hợp lý” - chị Mơ cho hay.

Vì vậy, chị Mơ mong muốn có một lộ trình tăng phí bảo hiểm y tế thích hợp theo lương cơ sở. Nếu không cũng phải ít nhất 3 năm một lần. Theo nữ công nhân, tăng theo lương cơ sở thì Nhà nước cần có mức hỗ trợ thiết thực hơn hiện tại, chẳng hạn 50%, có như thế gia đình chị và nhiều người lao động thu nhập trung bình sẽ đỡ lo lắng.

Với anh Du, bản thân anh cũng mong Nhà nước giảm mức đóng bảo hiểm y tế học sinh sinh viên xuống còn 50% thay vì 70% như hiện tại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn