MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Báo hiếu, có nhất thiết phải sống gần cha mẹ?

Minh Hương LDO | 23/08/2022 19:27
Xa bố mẹ từ ngày đặt chân ra Hà Nội làm sinh viên, năm nay đã bước sang 38 tuổi, chị Phạm Thị Lan Hương (sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) thi thoảng vẫn nhận được câu hỏi: "Tại sao cha mẹ ở Đà Nẵng, cậu lại chọn xa cha mẹ? Như vậy sao được coi là có hiếu?

Khi nhận được những câu hỏi như vậy, chị Hương cho biết, cảm thấy khó chịu vì "định nghĩa có hiếu đâu phải cứ ở gần cha mẹ".

Chia sẻ lý do sinh ra ở Đà Nẵng nhưng lại chọn Hà Nội làm "bến đỗ", chị Hương "tôi thấy hợp với Hà Nội, thích mùa đông ở đây, và hơn hết, tôi có thể phát triển công việc".

Định nghĩa thế nào là chữ hiếu, chị Hương chia sẻ, trước tiên con cái phải sống tốt, hạnh phúc, đủ đầy về vật chất, tinh thần. Không cầu cạnh, làm những việc khiến cha mẹ phiền lòng.

Nếu ở gần mà làm khổ bố mẹ, không quan tâm lo lắng cũng chẳng được xem là có hiếu. "Theo tôi, chữ hiếu rất vô vàn, không liên quan đến chuyện ở gần hay xa. Điều quan trọng hơn hết, giữa con cái và bố mẹ phải có sự quan tâm, yêu thương, kết nối" - chị Hương cho biết.

Còn anh Quốc Nam (làm việc tại Singapore), đã xa bố mẹ được 7 năm. Học đại học ở Singapore, sau khi kết thúc khoá học, anh Nam quyết định ở lại đất nước này làm việc và sinh sống.

"Từ nhỏ đến lúc trưởng thành, bố mẹ luôn nói với tôi: chỉ cần con sống vui vẻ, hạnh phúc, tự lo cho bản thân là xem như báo hiếu cho ba mẹ rồi. Sau này đi làm, một năm tôi gặp bố mẹ được 2 lần, song họ vẫn ủng hộ quyết định của tôi. Ngoài việc sống thật tốt, tôi còn báo hiếu bố mẹ bằng những món quà, sự quan tâm nhỏ nhất" - anh Nam cho hay.

Anh Nam cho biết thêm, trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp bố mẹ tuổi cao vẫn phải nuôi các con, cháu vì ở gần. Nếu thật sự có hiếu thì không nên ăn bám cha mẹ. Phải lo cho bản thân mới có thể lo cho người khác được.

Ông bố một con này quan niệm, sau này khi con 18 tuổi, anh sẽ cho con tự lập, ra ở riêng. Nếu nhớ con thì gọi điện hỏi thăm, hỏi ý kiến khi ghé thăm nhà con. Ngoài ra, bản thân mỗi bậc phụ huynh cũng nên tự ý thức được việc sinh con là để nuôi dạy chúng thành người, không phải vì để sau này có người chăm sóc khi về già, để có người báo hiếu.

Nói về chữ hiếu, bà Trần Hồng Hạnh (52 tuổi, quê Thanh Hoá) cho rằng, con cái ở đâu cũng được miễn con sống tốt và hạnh phúc với lựa chọn đó. "Tôi còn sức lao động, còn có thể kiếm tiền, chưa cần đến lúc các con phải kề bên cạnh" - bà Hạnh chia sẻ.

Theo bà, vợ chồng con cái hoà thuận, các cháu giỏi giang mới thực sự là trả hiếu cho cha mẹ. Bà không yêu cầu con hy sinh sự lựa chọn vì chữ hiếu.

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm về vấn đề này bằng cách gửi email về Báo Lao Động: toasoan@laodong.com.vn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn