MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều nạn nhân thường chịu đựng trước nạn bạo lực học đường.

Bạo lực học đường - nhức nhối nhưng khó xử lý hình sự

Hữu Long LDO | 28/10/2022 15:00

Trong thời gian ngắn tại một số tỉnh thành miền Trung – Tây Nguyên xảy ra  tình trạng bạo lực học đường, thậm chí xảy ra hậu quả chết người. Giải quyết vấn nạn này, luật sư cho rằng phải có sự phối hợp quản lý từ phía địa phương, nhà trường và phụ huynh.

Nhiều lổ hổng trong quản lý học sinh

Trong tháng 10 qua tại tỉnh Bình Định và Lâm Đồng xảy ra liên tiếp các vụ bạo lực học đường. Những vụ bạo lực học đường này không chỉ gây thương tích cho nạn nhân và còn khiến 1 em học sinh lớp 9 ở huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) tử vong.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phan Bạch Mai – Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư Khánh Hòa đánh giá, hiện nay việc phối hợp quản lý học sinh giữa phụ huynh và nhà trường chưa hiệu quả. Điều này thể hiện qua việc giám sát học sinh từ trên ghế nhà trường, cho đến khi về nhà còn nhiều lổ hổng.

Từ đó dẫn đến hậu quả là một bộ phận học sinh dễ bị tổn thương trên ghế nhà trường và cả ở bên ngoài.

“Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, nhà trường và phụ huynh phải xây dựng được một quy chế quản lý, giám sát học sinh một cách hiệu quả thay vì để các em tự bảo vệ mình” – luật sư Phan Bạch Mai nói và phân tích thêm, các nạn nhân bị bạo lực học đường cũng cần lên tiếng để bảo vệ mình thay vị cam chịu hoặc im lặng.

Tương tự, luật sư Tạ Quang Tòng - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk phân tích, nạn bạo lực học đường tồn tại dai dẳng không thể không quy trách của ngành giáo dục địa phương, Ban Giám hiệu nhà trường và cả thầy cô giáo.

Luật sư Tạ Quang Tòng dẫn chứng, hiện học sinh từ nhỏ đến cấp 3 đều được học qua các môn về đạo đức, giáo dục công dân. Môn học này có ý nghĩa trong việc hình thành nhân cách học sinh, định hướng đạo đức các em sau này.

Đáng buồn là các em học sinh và cả một bộ phận giáo viên vẫn chưa xem trọng các môn học này. 

“Tôi nhận thấy học sinh học về các môn học đạo đức, giáo dục công dân ở các cấp học thường có điểm số rất cao. Thế nhưng nạn bạo lực học đường vẫn diễn ra và diễn biến với nhiều chiều hướng phức tạp. Điều này chứng tỏ việc dạy học, định hướng đạo đức, nhân cách học sinh hiện còn hời hợt,  chạy theo thành tích, chưa lấy người học làm trung tâm” – luật sư Tạ Quang Tòng nêu quan điểm.

Hình ảnh cắt từ vụ bạo lực học đường tại tỉnh Bình Định. 

Có nên xử lý hình sự đối với nạn bạo lực học đường?

Cũng có ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm đối với những trường học bạo lực học đường để tăng tính răn đe. Về việc này, luật sư Phan Bạch Mai cho biết, theo quy định những người trên 14 tuổi, cơ quan công an sẽ xem xét, xử lý hình sự các hành vi giết người, xâm hại sức khỏe, bôi nhọ danh dự người khác.  

Riêng trẻ em dưới 14 tuổi, trước đây cơ quan công an địa phương có thẩm quyền quyết định đưa các em đến trung tâm giáo dưỡng. Tuy nhiên hiện nay, quyết định đưa các em học sinh vi phạm quy định pháp luật được dựa trên phán quyết của tòa án địa phương. 

Liên quan đến việc học sinh quay clip bạo lực học đường rồi phán tán lên mạng xã hội, luật sư Phan Bạch Mai nhận định, đây là một suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận học sinh hiện nay. 

Các nạn nhân bị bạo lực học đường thường cam chịu hoặc không lên tiếng bảo vệ mình. 

Lẽ ra khi phát hiện nạn bạo lực học đường, các em phải can ngăn hoặc báo sự việc lên nhà trường, thì có em lại lựa chọn quay lại clip rồi phát tán lên mạng xã hội.

Với trường hợp này, luật sư Mai cho rằng phía nhà trường, phụ huynh phải làm việc với từng em học sinh, phân tích, định hướng để các em nhận ra lỗi sai và thay đổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn