MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dùng mạng xã hội đang đối mặt với tình trạng bị xâm phạm dữ liệu cá nhân. Ảnh: Thế Lâm.

Bảo vệ dữ liệu cá nhân, cần chế tài mạnh để tránh bị mua bán!

Thế Lâm LDO | 01/10/2020 14:13

Cho dù không muốn nhưng dữ liệu cá nhân trên môi trường Internet luôn có nguy cơ bị biến thành món hàng mua bán khi rơi vào tay một số đối tượng.

Chính vì thế, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời đại bùng nổ của Internet, với việc sử dụng mạng xã hội và thao tác trực tuyến một cách phổ biến, đang trở nên cấp bách. Từ yêu cầu thực tế đó, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 138/NQ-CP thông qua đề nghị xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân được Bộ Công an đề xuất.

Xâm phạm dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư đối với người dùng Internet tại Việt Nam trong thời gian qua diễn ra khá phổ biến. Nổi cộm là vụ phát tán clip nhạy cảm của ca sĩ Văn Mai Hương, khiến cô ca sĩ trẻ này rơi vào trầm cảm một thời gian. Rồi vụ hack Facebook của cầu thủ Quang Hải phát tán những tin nhắn riêng tư về yêu đương của cầu thủ này…

Tuy nhiên, qua rất nhiều vụ xâm phạm từ thô bạo đến tinh vi như vậy, thủ phạm vẫn nhởn nhơ. Một trong những nguyên nhân quan trọng được cho là do còn thiếu các biện pháp chế tài đủ bao quát và cập nhật được những thực trạng vi phạm dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trên Internet.

Việc sử dụng các website, ứng dụng di động hiện nay bên cạnh các tiện ích cũng ẩn họa nguy cơ bị thu thập, lấy cắp thông tin, dữ liệu cá nhân. Tuy nhiên khi người dùng rơi vào hoàn cảnh như vậy lại rất khó để biết nguồn rò rỉ, phát tán từ đâu. Trong khi đó, những thông tin, dữ liệu đó cứ chuyền tay từ đối tượng này sang đối tượng khác, và được rao bán công trên tại một số website trên mạng.

Đặc biệt là những thông tin về khách hàng mua bán bất động sản, bảo hiểm nhân thọ, xe ôtô…, thậm chí ngoài họ tên, số điện thoại, email, còn có địa chỉ nhà, mã căn hộ đã mua… Những thông tin như thế, nếu lọt vào tay kẻ xấu có động cơ phạm tội, thì các chủ nhân của thông tin, dữ liệu đó hoàn toàn có thể gặp nguy hiểm.

Theo Bộ Công an, hiện trên thế giới đã có hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các qui định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. Điển hình là Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu…

Một vụ xử lí được biết đến nhiều chính là việc Facebook bị Ủy ban Truyền thông Liên bang Hòa Kỳ phạt đến 5 tỉ USD vào tháng 9.2019 vì để lộ dữ liệu của 87 triệu người dùng cho bên thứ ba là Cambridge Analytica. Trước án phạt này, Facebook cũng còn bị phạt tại các quốc gia khác là Anh, Australia, Canada…

Những đối tượng cố tình rò rỉ, phát tán, mua bán dữ liệu, thông tin cá nhân có nhiều động cơ khác nhau, song ngày nay động cơ phổ biến nhất chính là nhằm trục lợi, kiếm tiền. Chính vì thế, một thị trường mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân sôi động trên Internet đã được tạo ra từ lâu trên thế giới và tại Việt Nam, dưới hình thức cả công khai, bán công khai và trên các trang web đen (dark web).

Việt Nam hiện có hơn 64 triệu người dùng Internet (chiếm khảong 66% dân số), trong đó có gần 60 triệu người có tài khoản Facebook, 62 triệu tài khoản Google, trên 50 triệu tài khoản Zalo… Ở góc độ thị trường, đây là một “mảnh đất” béo bở đối với các đối tượng chuyên thu thập, mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn