MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bờ bao ngăn bãi thải ở mỏ sắt Thạch Khê vừa được đắp đất gia cố lại. Ảnh: Trần Tuấn.

Bất an với bờ bao tạm bợ ngăn bãi thải của mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

TRẦN TUẤN LDO | 21/09/2021 07:30
Đã từng bị vỡ vài lần, vùi lấp hoa màu, nước tràn vào nhà dân, nhưng bờ bao ngăn bãi thải của mỏ sắt Thạch Khê - mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh - tiếp tục gây bất an cho người dân vì bị sạt lở, xói mòn theo thời gian.

Bờ bao tạm bợ tiềm ẩn rủi ro

Ngày 20.9, có mặt tại bờ bao ngăn bãi thải ở mỏ sắt Thạch Khê, đoạn thuộc địa phận xã Thạch Hải, chúng tôi chứng kiến bờ bao này rộng khoảng 3m ở phần chân, đỉnh rộng khoảng 1m, chiều cao bờ khoảng 2m sau khi mới được đắp đất, cát gia cố lại. Tuy nhiên, mưa lớn những ngày gần đây đã làm xói lở dần vào bờ, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phía trong bờ bao là “núi” đất khổng lồ được bóc đất tầng phủ khai thác mỏ sắt rồi tập kết lại từ hơn 10 năm trước.

Moong mỏ sắt Thạch Khê sau khi bóc đất tầng phủ sâu hàng chục mét rồi bỏ hoang từ năm 2011 đến nay. Ảnh: Trần Tuấn

Bà Nguyễn Thị Chung (66 tuổi, ở thôn Nam Hải, xã Thạch Hải), nhà ở ngay dưới bờ bao chứa bãi thải của mỏ sắt cho biết: “Trước đây, bờ bao bị sạt lở, bùn đất trôi về đen kịt, sục ngang đầu gối làm hỏng hết hoa màu trong vườn chúng tôi. Giờ mỗi mùa mưa là chúng tôi lo lắng lắm. Cũng may vừa rồi xã mới cho máy đến đào đắp gia cố thêm”.

Bà Chung kể có lần vỡ bờ bao ngăn bãi thải mỏ sắt Thạch Khê, bùn đất trôi về vườn dân lút đầu gối. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Nguyễn Đức Bình - Trưởng thôn Nam Hải cho biết, bờ bao chứa bãi thải mỏ sắt Thạch Khê gây bất an cho 20 hộ dân ở thôn Nam Hải và một số thôn khác, Trước đây, khi bờ bao bị vỡ đã làm hư hại 7 ha hoa màu, chủ yếu là trồng cây trầu trong vườn của nhân dân.

“Chúng tôi mong muốn cấp trên cho làm bêtông bờ bao này để tránh sạt lở, gây vỡ bờ. Có như thế, người dân mới yên tâm được” - ông Bình chia sẻ.

Nhiều hệ lụy dai dẳng

Ông Bùi Đình Lâm - Chủ tịch UBND xã Thạch Hải - cho hay, vào khoảng năm 2010, khi đó đơn vị khai thác là Công ty CP Sắt Thạch Khê tiến hành bóc đất tầng phủ để khai thác quặng sắt đã đổ thải chất đống cao ở bãi thải số 1. Sau đó, mùa mưa đã làm trôi đất, cát về làng, lấp hết nhiều diện tích đất hoa màu của người dân ở các thôn Nam Hải, Thượng Hải, Bắc Hải. Nghiêm trọng hơn, nhiều mồ mả của nhân dân cũng bị vùi lấp, khó tìm lại được.

Bãi thải chất cao từ nhiều năm nay ở phía sau dãy cây phi lao này. Ảnh: Trần Tuấn

Sau đó, đơn vị khai thác đã phải đắp bờ bao quanh bãi thải đi qua các xã Thạch Hải, Đình Bàn, Thạch Khê để ngăn đất, cát trôi về làng, ảnh hưởng tới đời sống, làm hư hại hoa màu của dân. Thế nhưng, từ sau năm 2011, họ không tiến hành khai thác nữa nên qua thời gian, bờ bao bị xói món, hư hại; sau đó đã 2 lần bị vỡ làm hư hại hoa màu của người dân.

“Trước bão số 5 vừa rồi, chúng tôi đề nghị nên huyện đã về kiểm tra và quyết định cấp kinh phí để thuê máy đào đắp gia cố được một đoạn với kinh phí khoảng 70 đến 80 triệu đồng. Chỉ là gia cố tạm vậy thôi chứ về lâu dài thì chưa thể yên tâm được” - ông Lâm chia sẻ.

Vườn dân luôn bị đe dọa bởi việc vỡ bờ bao chứa bãi thải mỏ sắt Thạch Khê. Ảnh: Trần Tuấn.

Cũng theo ông Lâm, việc bóc đất tầng phủ khai thác mỏ sắt Thạch Khê còn làm nước ngầm bị tụt sâu khiến giếng nước của người dân ở thôn Đại Hải và Liên Hải bị cạn và nhiễm phèn, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.

“Việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê dang dở rồi dừng lại đã để lại rất nhiều hệ lụy cho người dân nơi đây. Hiện chưa có quyết định của Chính phủ về việc có tiếp tục khai thác nữa không nên chính quyền và nhân dân cũng còn nhiều băn khoăn lắm” - ông Lâm nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn