MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Thú y lấy mẫu bò bị bệnh viêm da nổi cục tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đợt cuối tháng 2.2024. Ảnh: Đức Đồng

Bất cập trong quản lý cán bộ thú y cơ sở gây khó cho phòng chống dịch bệnh

TRẦN TUẤN LDO | 09/03/2024 18:44

Việc Hà Tĩnh sáp nhập Trạm Thú y với Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Truyền giống chăn nuôi vào Trung tâm Ứng dụng khoa học kĩ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi (KHKT&BVCTVN) thuộc UBND cấp huyện quản lý đã và đang bộc lộ những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong quản lý, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh.

Bất cập ảnh hưởng đến hiệu quả chống dịch bệnh

Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, hiện nay hệ thống quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh chưa được thực hiện theo đúng quy định của Luật Thú y.

Cụ thể, Điều 6 Luật Thú y nêu “Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương".

Thế nhưng, tại Hà Tĩnh từ năm 2012 - khi sáp nhập các đơn vị trong đó có Trạm Thú y thành Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN trực thuộc UBND cấp huyện quản lý - dẫn đến nhiều nhiệm vụ, hoạt động chuyên ngành không phù hợp với hệ thống văn bản chỉ đạo theo hệ thống từ Thú y Trung ương đến địa phương được quy định tại Luật Thú y.

Từ đó, nhiều chỉ đạo không được tổ chức, triển khai hoặc tổ chức thực hiện tại địa phương kém hiệu quả.

Việc Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN trực thuộc UBND cấp huyện quản lý dẫn đến một số nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, quản lý kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý thuộc thú y, quản lý hành nghề thú y, công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y phần lớn không được thực hiện đảm bảo theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ.

Công tác quản lý nhà nước về thú y gồm nhiều hoạt động chuyên môn, đặc thù có tính chất thường xuyên và đột xuất, trong khi chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm Ứng dụng KHKT&BBVCTVN có chức năng chính là các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ nên sự phối hợp trong thực hiện các nhiệm vụ về thú y hiệu quả không cao.

Tình trạng bố trí viên chức chưa cân đối giữa các chuyên ngành trong Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN dẫn đến cán bộ có trình độ chuyên môn chăn nuôi, thú y tại các Trung tâm thiếu.

Cụ thể, tại các Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN cấp huyện ở Hà Tĩnh hiện có 36 biên chế chăn nuôi và thú y có trình độ trung cấp đến đại học, mỗi đơn vị có từ 2 - 3 biên chế.

Hình ảnh tiêu hủy lợn bị dịch bệnh tại Hà Tĩnh. Ảnh: Trần Tuấn

“Công tác tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của hệ thống thú y cấp huyện, xã gặp nhiều khó khăn, chưa đảm bảo yêu cầu. Nhất là công tác giám sát, phát hiện bệnh và báo cáo dịch bệnh thường không đảm bảo và thiếu kịp thời.

Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh thiếu đồng bộ, thiếu nhân lực có chuyên môn về thú y để tham mưu, tổ chức, triển khai phòng chống dịch, việc huy động lực lượng thú y từ địa bàn huyện khác để hỗ trợ chống dịch trong địa bàn cấp tỉnh gặp khó khăn, nhất là khi dịch bùng phát” - ông Hùng chia sẻ.

Cần chuyển các trạm thú y về Chi cục Thú y quản lý

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chỉ đạo về việc rà soát, kiện toàn, củng cố lại hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định của Luật Thú y nhằm tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống thú y đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có văn bản số 6045 ngày 24.10.2022 về triển khai chương trình hành động số 16 của Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trong đó có nội dung “Kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở theo Luật Thú y và các quy định hiện hành". Thế nhưng, hiện công tác kiện toàn hệ thống thú y trên địa bàn vẫn chưa được thực hiện.

Lãnh đạo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) kiểm tra đàn bò bị dịch viêm da nổi cục. Ảnh: Trần Tuấn

Bởi vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đề nghị tỉnh Hà Tĩnh kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y đúng theo quy định của Luật Thú y và theo chỉ đạo của Trung ương.

Chuyển các Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN cấp huyện về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo đúng quy định của Luật Thú y.

Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cũng đã đề nghị chuyển 13 Trạm Thú y từ Trung tâm Ứng dụng KHKT&BVCTVN về Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh quản lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn