MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Bất lực vì lao động trẻ vào học việc đến khi thành thạo thì xin nghỉ việc

Mạnh Cường LDO | 09/03/2024 07:59

Nhiều lao động trẻ chọn đại một công ty với mục đích học việc là chính, sau khi thành thạo thì xin nghỉ việc khiến người tuyển dụng tốn kém tiền bạc, thời gian.

Cả tháng nay, chị Lê Thị Huyền - trưởng phòng của một công ty vận chuyển tại quận Hoàng Mai, Hà Nội - vô cùng đau đầu vì thiếu nhân lực. Không phải do chưa tuyển được người mà là tuyển vào, đào tạo xong, nhân viên lại viết đơn xin nghỉ.

“Những tháng trước Tết và sau Tết, tôi phải ký đơn xin nghỉ cho 3 nhân viên. Điều đáng buồn là những nhân viên này vừa trải qua quá trình đào tạo cơ bản, đã sẵn sàng để bắt đầu làm việc thì lại xin nghỉ việc” - chị Huyền cho hay.

Qua tìm hiểu, chị Huyền được biết lý do chính các nhân viên mới xin nghỉ là về làm công ty khác cùng lĩnh vực có chế độ đãi ngộ tốt hơn. Tuy nhiên, công ty đó chỉ nhận nhân viên có kinh nghiệm. Muốn có kinh nghiệm, ứng viên sẽ chọn các công ty như của chị Huyền vì khi tuyển dụng có hỗ trợ đào tạo.

Theo nữ trưởng phòng, phần lớn những lao động xin nghỉ sau đào tạo là lao động trẻ độ tuổi từ 21 - 28. Lứa tuổi này, theo chị, rất thích nhảy việc. Đối với họ, áp lực gia đình, cơm áo gạo tiền vẫn chưa nhiều, thậm chí không có, nên chưa cần sự ổn định.

Chia sẻ về những ảnh hưởng tiêu cực, thiệt hại khi lao động xin nghỉ sau đào tạo, chị Huyền cho biết, rất tốn công sức, thời gian và cả năng suất công việc. Bởi nữ trưởng phòng phải dành ra 2 tiếng/ngày để đào tạo, mài giũa nhân viên mới trong ít nhất 2 tháng. Điều này vô tình khiến hiệu quả công việc chung của chị cũng bị ảnh hưởng một phần.

Tình trạng nghỉ việc ngay sau khi đào tạo không chỉ diễn ra ở phân khúc lao động trí óc mà còn xuất hiện rất phổ biến ở cả lao động chân tay.

Anh Nguyễn Tiến Đông (30 tuổi) - nhân viên tuyển dụng một công ty may mặc ở Nam Định - cho biết, trong khu vực chỉ có công ty anh và một công ty khác hỗ trợ đào tạo công nhân mới để thu hút nhân lực. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nhiều người lợi dụng với mục đích vào để học việc rồi nghỉ.

“Thông thường, công ty tôi sẽ đào tạo trong 1 - 2 tháng tùy năng lực từng người. 10 người vào đào tạo đến khi biết việc chỉ còn khoảng 6 người ở lại với công ty, 4 người còn lại xin nghỉ do thấy không phù hợp hoặc xin về công ty khác để làm” - anh Đông cho hay.

Giáo viên đào tạo công nhân mới tại công ty anh Đông. Ảnh: Mạnh Cường.

Anh Đông chia sẻ, công ty anh ở gần tỉnh Thái Bình, chỉ cách con sông Hồng đi phà 5 phút đến nơi. Ở bên đó, các công ty may mặc đều yêu cầu phải có tay nghề mới nhận nên rất nhiều lao động sang công ty anh Đông để học việc. Đến khi thành thạo, họ xin nghỉ về công ty ở quê nhà làm việc với lý do khác tỉnh, đi lại không tiện.

Mặc dù biết sẽ rất thiệt hại vì quá trình đào tạo phải cung cấp nguyên vật liệu, máy móc, thuê người giảng dạy nhưng công ty vẫn duy trì. Bởi chính sách đào tạo công nhân chưa có tay nghề vẫn là một cách hữu dụng để tuyển người.

Để giảm bớt thiệt hại cho công ty khi tuyển dụng, anh Đông đã trình ban lãnh đạo ty phương án sàng lọc kỹ với lao động vào học việc.

"Tôi đề xuất với công ty không tuyển lao động ở Thái Bình dưới 35 tuổi. Khi vào học việc, phải tạm ứng 2 triệu đồng; học việc xong làm ở công ty ít nhất 1 tháng sẽ được trả lại khoản tiền này. Nếu không tạm ứng tiền thì phải cam kết làm ở công ty sau khi học việc tối thiểu 3 tháng, nếu vi phạm sẽ phải bồi thường" - anh Đông nói và cho biết thêm, các đề xuất này đã được ban lãnh đạo công ty chấp thuận, từ đó giảm thiểu tình trạng lao động trẻ được đào tạo bài bản sau đó xin nghỉ việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn